PGS.TS Tạ Thị Thúy
Cho tới nay, khi tôi có hơn 30 năm gắn với việc nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam thì cũng có gần như bằng ngần ấy thời gian gắn với lưu trữ, gắn với tài liệu lưu trữ (Tôi bắt đầu đến làm việc ở TTLTQG I Hà Nội từ năm 1982). Từ kinh nghiệm của các học giả trong và ngoài nước qua những công trình nghiên cứu đồ sộ của họ (trong đó dựa chủ yếu vào tài liệu lưu trữ)[2] cũng như từ những trải nghiệm của bản thân, tôi đã sớm nhận ra và ngày càng nhận ra giá trị đích thực của nguồn tài liệu này trong việc nghiên cứu về thời kỳ lịch sử gần 100 năm đó của Việt Nam nói chung.
Trong những năm tháng đó, tôi đã từng lăn lộn ở hầu hết các trung tâm lưu trữ ở trong nước, cũng như ở những trung tâm lưu trữ lớn trên đất Pháp. Mọi thứ tôi đã nghiên cứu, đã viết ra, đang viết ra và sắp viết ra đều dựa nhiều, thậm chí dựa chủ yếu vào nguồn tài liệu lưu trữ, cả đối với những công trình chuyên khảo cũng như những công trình thông sử mà tôi được giao thực hiện.
Đối với việc nghiên cứu của tôi, tất cả các phông tài liệu đều quan trọng vì mỗi phông có những giá trị nhất định của nó và một đề tài nghiên cứu có thể phụ thuộc vào nhiều phông tài liệu khác nhau, nhất là đối với các công trình thông sử.
Trên thực tế, để xây dựng lên các công trình của mình, tôi đã từng làm việc với tài liệu của tất cả các phông, từ lớn như: AGGI (Fonds d’Archives des Amiraux et des gouverneurs), GGI (Fonds du gouvernement général de l’Indochine), RST (Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin), RSA (Fonds de la Résidence supérieure en Annam), GOUCOCH (Fonds du Gouverneur de la Cochinchine) đến các phông thuộc các chuyên ngành DFI (Fonds de la direction des finances de l’Indochine), AFC , EDT (Fonds de l’enregistrement, des domaines et du timbre), TP (Fonds de la circonscription territoriale des travaux publics du Tonkin), các phông của các tỉnh, các thành phố và ở Pháp còn thêm các phông mới và cũ NFI (Đông Dương Nouveau phông) và AFI (Đông Dương Ancien phông)… Với một khối lượng rất lớn trang tài liệu thu thập được từ các phông tại các trung tâm lưu trữ khác nhau cộng thêm với những tài liệu được khai thác từ các nguồn khác, tôi đã và đang hoàn thành một số công trình:
- Các công trình chuyên khảo về lịch sử kinh tế Việt Nam thời kỳ cận đại gồm:
– 2 cuốn, tổng cộng hơn 1.000 trang về lịch sử khẩn hoang ở Bắc Kỳ thời kỳ cận đại đã được công bố vào năm 1996 (bản tiếng Pháp được công bố vào năm 2009) và năm 2001
– Đang thực hiện 3 chuyên khảo, trong đó có 1 đang biên soạn, 2 sẽ được thực hiện tiếp trong những năm tới.
- Các công trình thông sử về Lịch sử Việt Nam cận đại gồm:
Thứ nhất, trong bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập do Viện Sử học chủ trì có 3 tập lịch sử Việt Nam cận đại do tôi chủ biên và cũng là người viết chính, gồm: Lịch sử Việt Nam Tập 7 (1897-1918); Lịch sử Việt Nam Tập 8 (1919-1930); Lịch sử Việt Nam Tập 9 (1930-1945), mỗi tập trung bình từ 600 đến 700 trang do Nhà xuất bản khoa học xã hội ấn hành, hiện đã in xong 2 tập, còn 1 tập đang in.
Thứ hai, 1 tập Lịch sử Việt Nam thường thức từ 1858 đến 1945 cũng đã hoàn thành đang chờ xuất bản tại Nhà xuất bản giáo dục trong năm nay.
Có thể nói những gì được gọi là mới trong những công trình do tôi thực hiện ở trên dường như đều từ tài liệu lưu trữ mà ra.
Riêng về phông Goucoch được đề cập tới ở đây, sau hơn 10 năm làm việc với tài liệu của phông Goucoch (tôi bắt đầu làm việc tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, chủ yếu trên phông Goucoch, từ năm 2002 và liên tiếp trong những năm sau) để phục vụ cho việc nghiên cứu và biên soạn các công trình khoa học ở trên, tôi đánh giá rất cao phông tài liệu này do ở sự đồ sộ của nó và cũng do giá trị tham khảo của những thông tin mà nó bao hàm. Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng đây là nguồn tài liệu không thể thiếu đối với những người nghiên cứu về Nam Kỳ nói riêng, về lịch sử Việt Nam cận đại nói chung, trong đó có việc nghiên cứu của bản thân tôi.
Lý do thì là vì:
Một là: Nam Kỳ là xứ trực trị nên chính sách thuộc địa của chính quyền thực dân ở đây không hoàn toàn giống với 2 xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ còn lại. Việc thực thi chính sách “đồng hóa” (assimilation) hay chính sách “hợp tác” (association) ở đây cũng không hoàn toàn giống như đã thực thi ở 2 xứ bảo hộ. Vậy chính sách ấy là gì? Chính sách ấy được thể hiện như thế nào? Đương nhiên là phải tìm trong phông tài liệu mà bộ máy chính quyền của xứ này đã sản ra, tức phông Goucoch. Và do đó, cấu trúc của bộ máy chính quyền mang tính trực trị của xứ Nam Kỳ cũng được tìm thấy trong phông Goucoch.
Hai là: Nam Kỳ cũng là xứ ít nhiều khác với những phần còn lại của Việt Nam về điều kiện tự nhiên, đất đai, dân số, lịch sử – văn hóa nên chính sách khai thác thuộc địa mà người Pháp áp dụng ở đây cũng không hoàn toàn giống với những xứ khác. Và vì thế, Nam Kỳ cũng có những đặc điểm riêng trong đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, (tức là trong trình độ phát triển của nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, trong sự phát triển của các lĩnh vực y tế – giáo dục, văn học, nghệ thuật…). Cũng như vậy, ở Nam Kỳ, trong sự phân hóa xã hội cũng có những đặc điểm riêng so với các xứ Bắc và Trung Kỳ (nhất là trong chế độ sở hữu) và từ đó sẽ dẫn đến những khác biệt ít nhiều trong đời sống chính trị, trong phong trào đấu tranh giải phòng dân tộc. Vậy, muốn tìm hiểu về những khía cạnh này ở Nam Kỳ vẫn là phải tìm trong nguồn tài liệu của riêng nó, tức là phông Goucoch.
Ba là: Phong trào dân tộc ở Nam Kỳ không tách ra khỏi những quỹ đạo chung của phong trào cả nước, thế nhưng ở điểm này hay ở điểm khác (trong cách biểu hiện, trong diễn biến, trong quy mô…) vẫn có những khác biệt so với ở những xứ còn lại, tức là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vì vậy, muốn hiểu được tính phong phú của phong trào dân tộc ở Việt Nam qua các giai đoạn cần phải nghiên cứu trên tài liệu của các xứ và với Nam Kỳ phải đọc trong phông Goucoch.
Đối với các công trình nghiên cứu của tôi, tài liệu được khai thác từ phông Goucoch đã đem đến cho chúng những ưu điểm không thể phủ nhận.
- Đối với công trình chuyên khảo mà tôi đang thực hiện về Nam Kỳ, phông Goucoch cung cấp cho nó một nguồn tài liệu đám đông. Nguồn tài liệu này đòi hỏi nhiều công phu trong xử lý nhưng tôi hy vọng chúng sẽ đảm bảo cho công trình một độ tin cậy nhất định về khoa học, nâng cao giá trị tham khảo của nó (cũng như tôi đã làm đối với những công trình về nhượng đất, khẩn hoang ở Bắc Kỳ khi dựa vào phông RST)
- Đối với những cuốn thông sử vừa được thực hiện, nguồn tài liệu được khai thác từ phông Goucoch thêm vào những nguồn tài liệu khác đã giúp chúng tôi xây dựng được những công trình như chúng đã hiện ra, có quy mô lớn, có nội dung phong phú, bớt đi tình trạng tư biện, lấy lô gic thay cho sử liệu. Trong đó, nhờ hàng ngàn trang tài liệu được khai thác từ phông Goucoch, chúng tôi đã có thể trình bày một cách cụ thể hơn, cặn kẽ hơn đối với những vấn đề liên quan, tăng cường thêm từ khóa cho việc nghiên cứu cũng như tăng thêm đề mục cho các công trình. Đi xa hơn, dựa vào tài liệu của phông Goucoch chúng tôi đã có thể “chỉnh sửa” hay là làm rõ hơn nội dung của khía cạnh này hay khía cạnh khác của lịch sử thuộc những giai đoạn chúng tôi nghiên cứu.
Chẳng hạn như:
– Về chính sách thuộc địa của Pháp qua các thời kỳ Toàn quyền (mỗi Toàn quyền có một chính sách thuộc địa riêng).
Một ví dụ điển hình là việc trình bày về các chương trình “cải cách” của Pierre Pasquier trong những năm 1929-1934 nhằm giải quyết cùng lúc cả cuộc khủng hoảng về kinh tế và cuộc khủng hoảng về chính trị ở thuộc địa. Đây là một cuộc cải cách lớn, đi từ “Chương trình 19 điểm” đến “Chương trình cải cách lớn của Toàn quyền Đông Dương Pierrre Pasquier” trên tất cả mọi lĩnh vực từ chính trị, bộ máy chính quyền, kinh tế, văn hóa – giáo dục, y tế… và bắt đầu từ “cải cách” về chính trị và bộ máy chính quyền.
Về cuộc “cải cách” này, trước đây, những người viết về thời kỳ 1930-1935 thường gán cho đó là “cải cách” của Bảo Đại và đồng nghĩa cuộc “cải cách” này với việc “cải cách” chỉ về bộ máy chính phủ Nam triều. Cho đến nay, tài liệu mới chỉ cho phép người ta dừng lại ở đó.
Tuy nhiên, khi tiến hành thực hiện đề tài Lịch sử Việt Nam thời kỳ 1930-1935, vấn đề đặt ra đối với chúng tôi là từ năm 1925, khi Khải Định chết, bộ máy chính phủ Nam triều gần như mất hết vai trò về chính trị, Bảo Đại du học bên Pháp, phải mãi năm 1932 Bảo Đại mới về nước, vậy nếu nói cuộc “cải cách” này là của Bảo Đại thì có hợp lý không?
Thế rồi, rất may là khi khai thác Phông Goucoch chúng tôi đã gặp 1 tài liệu có thể trả lời trực tiếp những nghi vấn của chúng tôi. Tài liệu này dày 47 trang có tên đề “Một chương trình cải cách ở Đông Dương bởi Toàn quyền Pierre Pasquier” tháng 3-1931. (Un Programme de réforme en Indochine par GG P. Pasquier). Trong tài liệu đó là toàn bộ nội dung chương trình được gọi là “cải cách” của Pierre Pasquier trên tất cả các lĩnh vực: vấn đề chính trị (yêu sách về chính trị, đại diện của người bản xứ trong các hội đồng dân biểu, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do hội họp, tự do đi lại, quyền có việc làm….); tổ chức bộ máy chính quyền (bộ máy hành chính, bộ máy tư pháp, bộ máy đàn áp); những vấn đề kinh tế; vấn đề xã hội (nhấn mạnh những vấn đề liên quan đến nông dân, công nhân)…
Vậy là đã rõ cuộc cải cách – được đề ra vào đầu 1931, tức là trước khi Bảo Đại về nước và bản thân Bảo Đại cũng chỉ là một con bài trong chương trình “cải cách” ấy, đứng ra ban hành các đạo Dụ để triển khai việc “cải cách” của Pierre Pasquier mà thôi. Và điều đó có nghĩa là tài liệu này đã “đính chính” được một khía cạnh, một chi tiết nhỏ trong lịch sử Việt Nam đầu những năm 30 và trong cuốn Lịch sử Việt Nam Tập 9 (1930-1945) của chúng tôi giờ đã có thêm các tiểu mục về Các chương trình “cải cách của Pierre Pasquier” trong phần về Chính sách thuộc địa của người Pháp trong giai đoạn 1930-1935
Thứ hai, về Bộ máy chính quyền thuộc địa, nhờ vào tài liệu của phông Goucoch, chúng tôi đã có thể trình bày cụ thể hơn, chi tiết hơn về cơ cấu tổ chức và những hoạt động của bộ máy này, từ bộ máy hành chính đến bộ máy đàn áp, bộ máy tư pháp, từ chính quyền trung ương đến chính quyền các địa phương (từ cấp xứ đến các cấp tỉnh, huyện, làng xã).
Chẳng hạn hồ sơ có ký hiệu II A/45/295 Création des postes militaires 10-1930 được chúng tôi sử dụng trong cuốn Lịch sử Việt Nam Tập 9 (1930-1945). Dựa vào hồ sơ này, chúng tôi đã trình bày về việc tăng cường bộ máy đàn áp (tăng cường các đồn binh, tăng cường các lực lượng quân đội và cảnh sát) của thực dân Pháp để dẹp phong trào cộng sản năm 1930-1931 ở Nam Kỳ đã diễn ra như thế nào.
– Về kinh tế, những hồ sơ trong phông Goucoch có tên Sách xanh (livre vert) và các báo cáo hàng năm cũng như những hồ sơ về các lĩnh vực kinh tế của Nam Kỳ là những tài liệu quý đối với chúng tôi khi trình bày về tình hình kinh tế chung và tình hình của các ngành kinh tế của Nam Kỳ mà chúng tôi không tìm thấy ở những phông lưu trữ khác.
– Về về văn hóa – xã hội thì nhờ vào phông Goucoch, chúng tôi đã có được những tài liệu về tình trạng y tế- giáo dục, văn học, nghệ thuật ở Nam Kỳ để trình bày trong các tập sách của mình.
– Về dân cư và sự phân hóa xã hội thì chỉ có dựa vào phông Goucoch chúng tôi mới có được những dẫn chứng cụ thể về những biến động trong dân cư, về đời sống kinh tế, về tình trạng tập trung ruộng đất, tình trạng phân hóa giàu nghèo trong nông dân, nông thôn cũng như về hoạt động của người bản xứ trong các ngành kinh tế công nghiệp, thương nghiệp, thủ công nghiệp…
Hơn thế, chúng tôi cũng đã có thêm những dẫn chứng, những ví dụ cụ thể về thái độ chính trị của các giai cấp, các tầng lớp, các đảng phái trong xã hội Nam Kỳ: nông dân, địa chủ, tư sản, công nhân, trí thức tiểu tư sản…
Lấy ví dụ như chúng tôi đã tìm được những hồ sơ về: nhân thân và thái độ của một số nhân vật thuộc giới “thượng lưu”, vừa là quan lại, vừa là địa chủ có chân trong đảng Lập hiến trong những năm 30; về thái độ ủng hộ Pháp, chống cộng sản của các đảng viên Lập hiến, trong đó Nguyễn Phan Long cũng trong những năm 30 ; về các bản “điều trần” bày tỏ thái độ khiếp nhược, sợ Pháp, ủng hộ Pháp trong việc đàn áp các hoạt động cộng sản trong những năm 1930-1931 của giới điền chủ, địa chủ, thương gia, quan lại các tổng của tỉnh Vĩnh Long.
– Về tình hình chính trị và phong trào dân tộc ở Nam Kỳ thì nhờ vào phông Goucoch, chúng tôi có thể hiểu thêm và trình bày cụ thể hơn về phong trào Hội kín ở Nam Kỳ cũng như về những phong trào khác trong 20 năm đầu thế kỷ XX. Hay cũng nhờ vào nguồn tài liệu đó, chúng tôi có thể trình bày rõ hơn về tình hình chính trị và về những phong trào đấu tranh trong các giai đoạn 1919-1930, 1930-1935, 1936-1939 và 1939-1945 ở xứ này như được thể hiện trong các công trình đã và đang công bố.
Tóm lại, trên đây chỉ là một vài trải nghiệm của tôi qua hơn 30 năm làm việc với lịch sử cận đại Việt Nam dựa trên tài liệu lưu trữ, coi tài liệu lưu trữ là cứu cánh trong việc nâng cao chất lượng của các công trình sử học cũng như sau hơn 10 năm khai thác và sử dụng tài liệu của Phông Goucoch, đánh giá cao vị trí, vai trò và khả năng to lớn của phông tài liệu này trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử xứ Nam Kỳ nói riêng, về lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại nói chung trên tất cả các khía cạnh có liên quan.
Kết luận cuối cùng của tôi là do giá trị không thể phủ nhận của nguồn tài liệu lưu trữ nói chung, của những tài liệu thuộc phông Goucoch nói riêng, cần phải có một chính sách thích đáng trong việc bảo quản và phát huy giá trị của nguồn tài liệu này.
Nhân đây, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các trung tâm lưu trữ, tới Trung tâm lưu trữ quốc gia II, trong nhiều năm đã tạo điều kiện để tôi có thể khai thác những tài liệu cần cho việc nghiên cứu và biên soạn các công trình khoa học về lịch sử cận đại Việt Nam.
[2]Tôi muốn nói tới các công trình của: Davit Marr (Úc), Pierre Brocheux, Daniel Hémery, Charles Fourniau, Trịnh Văn Thảo, Patrice Morlat, Gilles de Gantes… (Pháp)…Stain Tonnesson (Na Uy); Martine Jean Murrey…(Mỹ)
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch