Tại sao 12 ngày đên – Lời giải từ phía đối phương

Ngày 18-12-1972, Nixon ra lệnh cho máy bay B52 hủy diệt miền Bắc Việt Nam, mở đầu chiến dịch mang mật danh Lineblacker II. Ngay lập tức, hành động hủy diệt của Nixon vấp phải sự lên án mạnh mẽ của dư luận Hoa Kỳ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, bị coi “là một tội ác chống lại loài người trên qui mô đạo đức” ngang bằng với sự tàn bạo của phát xít tại trại tập trung Treblinka. Tại Hoa Kỳ, ngay từ ngày 19-12-1972, một ngày sau cuộc ném bom, Nixon phải đương đầu với “cuộc chiến” gay gắt trên chính trường, bởi sự chỉ trích và phản đối của các thượng nghị sĩ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Song bất chấp dư luận, ngày 23-12-1972, Ronald Ziegler – Phát ngôn viên Nhà Trắng tuyên bố một cách cứng rắn, rằng: “Tổng thống Nixon nhất quyết thực hiện mọi biện pháp cần thiết kể cả việc tiếp tục oanh tạc và phong tỏa Bắc Việt cho đến khi đạt được một “thỏa ước hợp lý”[1]. Ngày 30-12-1972, Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn ghi nhận tin tức: “ngày 29-12-1972, các nguồn tin thông thạo tại tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Nixon đã ra lệnh tạm ngưng oanh tạc Bắc Việt trong thời hạn 24 giờ nhân dịp tết dương lịch 1-1-1973”[2]. Cho thấy, đến ngày 29-12-1972, chưa có dấu hiệu nào về thời hạn chấm dứt chiến dịch Lineblacker II.

Tuy nhiên, sáng ngày 30-12-1972, Phát ngôn viên Nhà Trắng đột ngột tuyên bố: “Tổng thống Nixon đã ra lệnh ngừng oanh tạc Bắc Việt từ trên vĩ tuyến 20 và tái tục các cuộc hội đàm về Việt Nam tại Ba Lê… Các cuộc mật đàm giữa Cố vấn Kissinger và Lê Đức Thọ sẽ tiếp tục vào ngày 8-1-1973. Mặt khác, các cuộc hội đàm kỹ thuật giữa Hoa Kỳ – Bắc Việt sẽ bắt đầu ngày 2-1-1973”[3].

Lý giải nguyên do hành động trên của Hoa Kỳ, nhiều nhà Sử học cho rằng:

Sau khi đã lấy được phiếu bầu của cử tri Hoa Kỳ bằng cam kết ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam vào ngày 30-10-1972, Nixon lật lọng, quay trở lại cứu vãn chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, hòng tìm kiếm giải pháp rút khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam trên thế mạnh. Do đó, Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam bằng B52 trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, âm mưu dùng sức mạnh quân sự khuất phục Hà Nội chấp nhận thương thuyết với các điều khoản do Hoa Kỳ định ra, trái ngược hoàn toàn các thỏa thuận đã đạt được ngày 20-10-1972[4]. Vì vậy, sau 12 ngày đêm ném bom hủy diệt miền Bắc, nhưng không khuất phục thất bại của chiến dịch hủy diệt miền Bắc Việt Nam, Hoa Kỳ buộc phải ký kết Hiệp định Paris.

Tuy nhiên, trở lại những sự kiện từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa thống nhất bản dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 20-10-1972) đến trước ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (ngày 27-1-1972), có thể thấy, chiến dịch ném bom miền Bắc Việt Nam 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã được hoạch định và không thuần tùy hướng tới mục tiêu giành chiến thắng về mặt quân sự.

Theo diễn tiến của tiến trình đàm phán, từ ngày 8 đến ngày 11-10-1972, hai phái đoàn Hoa Kỳ và Việt Nam dân chủ cộng hòa thảo luận kỹ lưỡng về các điều khoản của dự thảo Hiệp định. Đến ngày 17-10-1972, tại Paris, hai bên duyệt lại lần cuối và ngày 20-10-1972 đi đến thống nhất bản dự thảo, cùng lịch trình ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam. Sau đó, từ ngày 19 đến 23-10-1972, Kissinger được chỉ thị thuyết phục Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận dự thảo hiệp định. Trong khi, tại Washington, Tổng thống Nixon ồ ạt gửi quân trang, quân dụng, vũ khí đạn dược cho Chính quyền Sài Gòn [5].

Trong khi đó, tại Sài Gòn, việc chỉ được biết thông tin về bản dự thảo và thời gian biểu cho việc ký kết Hiệp định thông qua dư luận báo chí, khiến Nguyễn Văn Thiệu tỏ ra “bất phục” . Ông ta liên tục cho cấp dưới và hệ thống truyền thông phát đi các tuyên bố công kích Hoa Kỳ. Ngày 23-10-1972, Hoa Kỳ lấy lý do chính quyền Sài Gòn chưa chấp nhận dự thảo nên phải tiếp tục thảo luận những vấn đề mới mà không đả động đến việc thực hiện các thỏa thuận theo thời gian đã ấn định.

Nhưng việc trì hoãn ký kết vẫn chưa làm cho Thiệu “bình tĩnh”. Từ ngày 26-10 đến ngày 7-11-1972, Nguyễn Văn Thiệu cấp tốc cử ba đại sứ đi đến 12 quốc gia ở châu Á nhằm rêu rao lập trường đối với bản dự thảo Hiệp định, gián tiếp công kích Hoa Kỳ trước dư luận. Đồng thời, Nguyễn Văn Thiệu liên tục gửi công hàm cho Hoa Kỳ, nói rõ rằng: “những vấn đề cần phải giải quyết trong dự thảo hiệp định là những vấn đề căn bản chứ không phải là những vấn đề chi tiết hay ngôn ngữ như ông Kissinger đã tuyên bố”[6] và đòi hỏi “Hoa Kỳ cho biết rõ về những gì Hoa Kỳ hứa hẹn với Bắc Việt theo như họ tiết lộ”[7].

Trước phản ứng quá mạnh của Nguyễn Văn Thiệu, ngày 29-10-1972, Nixon gửi thư cho Nguyễn Văn Thiệu nhằm làm giảm bớt sự công kích. Nhưng không có hiệu quả, trong khi dư luận ngày càng tỏ ra phản ứng mạnh trước sự trì hoãn của Nixon. Các nhân vật đối lập trong Quốc hội Hoa Kỳ đòi Nixon phải có trách nhiệm ký hiệp định sớm, không thể để Thiệu muốn làm gì thì làm và họ cho rằng Nguyễn Văn Thiệu đang thách thức lòng tự trọng của nhân dân Hoa Kỳ[8]. Ngày 2-11-1972, để xoa dịu dư luận, Nixon tuyên bố trên truyền hình, bản dự thảo còn có những phần “mập mờ” “cần làm rõ trước khi ký kết bản hiệp định cuối cùng”. Đồng thời, để tỏ chứng minh với Thiệu, Hoa Kỳ không “bỏ rơi” Chính quyền Sài Gòn và việc ký kết Hiệp định hoàn toàn nằm trong kế hoạch, Nixon ra lệnh cho máy bay chiến lược B52 ném bom phía Bắc khu phi quân sự.

Ngày 8-11-1972, sau khi tái đắc cử, Nixon gửi bức thư đầu tiên trong cương vị Tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ, nhằm răn đe và đảm bảo không “bỏ rơi” chính quyền Thiệu. Trong thư, Nixon khẳng định: “chúng tôi xem dự thảo hiệp định này là một dự thảo hiệp định đúng đắn”[9]“dù trong trường hợp nào, chúng tôi cũng quyết định đi tới trên căn bản của dự thảo hiệp định”[10]. Ông ta cũng cho thấy kế hoạch bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Sài Gòn sau khi Hiệp định được ký kết: “Tổng thống (Nguyễn Văn Thiệu – tg) cũng được thông báo đầy đủ về sự tăng viện ồ ạt hiện đang diễn tiến để củng cố lực lượng VNCH trước một cuộc ngừng bắn. Tôi đã nhiều lần đưa ra những bảo đảm vững chắc đối với trường hợp hiệp định có thể bị vi phạm. Tôi đã đề nghị gặp Tổng thống sớm ngay sau khi hiệp định được ký kết để tiêu biểu cho sự hỗ trợ không ngừng của chúng tôi”[11].

Ngày 10-11-1972, Tướng Haig sang Sài Gòn, tận tay chuyển thư của Nixon, cùng bản chương trình cam kết sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ đối với Chính quyền Sài Gòn nhằm có thể đánh thắng được Quân Giải phóng sau khi ký kết hiệp định. Nhưng đáp lại những lời lẽ vỗ về của Nixon trong bức thư là những đường gạch đỏ với các dấu chấm hỏi của Nguyễn Văn Thiệu và ông ta tiếp tục từ chối bản dự thảo Hiệp định, với lý do “khi mà các vấn đề căn bản sống còn của VNCH chưa được giải quyết thì VNCH không thấy có hy vọngg gì giải quyết các điểm khác trong hiệp định vì những điểm này chỉ là tùy thuộc những điểm căn bản”[12].

Ngày 15-11-1972, sau khi báo cáo chuyến công du Sài Gòn và nhận chỉ thị từ Nixon, Tướng Haig yêu cầu một phái viên Chính quyền Sài Gòn sắp rời khỏi Washington, tới Nhà Trắng để chuyền đạt “ý chỉ”. Tường trình của phái viên chính quyền Sài Gòn sau đó cho thấy, Hoa Kỳ đã hoạch định kế hoạch cụ thể để đảm bảo sự tồn tại của chế độ Thiệu, cũng như vị thế của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam. Theo kế hoạch của Hoa Kỳ, quân đội Sài Gòn sẽ được tăng đến mức tối đa vũ khí, trang bị; đồng thời, Hoa Kỳ sẽ làm giảm đến mức tối đa sức mạnh quân sự của đối phương. Để sau khi ký kết hiệp định, Chính quyền Sài Gòn hoàn toàn có khả năng thắng được Quân Giải phóng về mặt quân sự, tạo ra thế mạnh và giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Đi đến chấm dứt chiến tranh trong thế thắng và Hoa Kỳ rút ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Phái viên chính quyền Sài Gòn trích lời Tướng Haig như sau: “Tôi biết Tổng thống Thiệu e ngại việc có thể bị Cộng sản lấn áp, nhưng tôi còn có đủ lực để ngăn chặn Cộng sản làm điều này, với đệ nhất hạm đội và không lực Mỹ tại Thái Lan… Hoa Kỳ đã cố gắng rất nhiều khi thương thuyết đi đến thỏa hiệp với Bắc Việt để giữ vững tư thế lãnh đạo của Tổng thống Thiệu và chúng tôi biết Tổng thống Thiệu sẽ “stay forever” (ở lại mãi mãi – tg). Hoa Kỳ đã đưa trên 1 tỷ Mỹ kim “hardware” để tăng cường quân lực VNCH đủ mạnh trước khi có ngừng bắn và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp thêm cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế với mức dồi dào để giúp Tổng thống Thiệu giữ vững tư thế lãnh đạo của ông.”[13].

Cùng với sự bảo đảm, Hoa Kỳ tỏ ra cương quyết trong việc ép Thiệu chấp nhận dự thảo Hiệp định, đại diện phái đoàn Hoa Kỳ tại Paris thẳng thừng tuyên bố: “đối với Chính phủ Hoa Kỳ thì chỉ còn hai con đường: Một là Chính phủ VNCH hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ để hầu như chấp nhận tất cả các điều kiện của Bắc Việt; hai là, chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải thương thuyết một giải pháp riêng rẽ với Bắc Việt…”[14].

Nhưng vẫn tỏ ra ngoan cố, ngày 29-11-1972, Nguyễn Văn Thiệu cử Nguyễn Phú Đức – phụ tá đặc biệt về ngoại vụ tới Washington hội kiến Nixon, tiếp tục từ chối các điều khoản của dự thảo Hiệp định Paris.

Trong khi đó, dù tuyên bố sắn sàng đi đến một giải pháp mà không có Thiệu, song  tự cho mình có vai trò sen đầm quốc tế, Hoa Kỳ chưa bao giờ thừa nhận xâm lược Việt Nam, mà chỉ thừa nhận tư cách “đồng minh” trong cuộc chiến tranh nội bộ giữa những người “quốc gia” và Cộng sản ở Việt Nam. Nên trong các vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ luôn cần sự đồng thuận một cách công khai của Chính quyền Sài Gòn. Vì vậy, trong những ngày đầu tháng 12-1972, khi chưa có sự “đồng thuận” của Thiệu, tại bàn đàm phán ở Paris, Hoa Kỳ tiếp tục trì hoãn việc ký kết Hiệp định.

Từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972, Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt miền Bắc Việt Nam, trong khi vẫn tiếp tục thúc ép Nguyễn Văn Thiệu và liên tục đề nghị nối lại đàm phán, để đi đến ký kết Hiệp định.

Sau cuộc ném bom, ngày 2-1-1973, đàm phán được nối lại. Ngày 19-1-1973, sau 2 phiên họp công khai và 1 phiên họp mật giữa Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger, các bên thống nhất đi đến ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam với các điều khoản căn bản không thay đổi so với bản dự thảo ngày 20-10-1972. Ngày 21-1-1973, Trần Văn Lắm – Bộ trưởng Ngoại giao Chính quyền Sài Gòn “hấp tấp” bay tới Paris[15], cho thấy chính quyền Thiệu vẫn còn bị động đối với lịch trình ký kết Hiệp định Paris.

Qua những sự kiện trên, có thể đi đến nhận định:

Việc ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam và hành động ném bom miền Bắc Việt Nam những ngày cuối năm 1972 là kế hoạch đã được định sẵn trong sách lược của Hoa Kỳ sau khi chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh cơ bản bị thất bại.

Thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh buộc Hoa Kỳ phải chấp nhận rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam với các điều kiện do cách mạng đặt ra. Nhưng chưa từ bỏ chính sách thực dân mới, Hoa Kỳ tiếp tục tạo những cơ sở cho sự tồn tại vị thế của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam thông qua việc đảm bảo sự tồn tại của chế độ Nguyễn Văn Thiệu.

Do đó, trong những ngày cuối năm 1972, cùng với việc thúc ép Nguyễn Văn Thiệu chấp nhận bản dự thảo Hiệp định, Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ Thiệu sau khi Hiệp định được ký kết. Sự đảm bảo đó được thực hiện bằng các biện pháp: viện trợ ồ ạt, cũng như chuyển giao phương tiện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam của Hoa Kỳ cho Chính quyền Sài Gòn. Nhằm đảm bảo cho chế độ Sài Gòn có thể kiểm soát được nhân dân miền Nam Việt Nam trước cuộc tổng tuyển cử được quy định trong Hiệp định Paris; Hoa Kỳ thực hiện việc cô lập, cắt đứt nguồn chi viện, nguồn lực của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Mà hành động ném bom miền Bắc Việt Nam những ngày cuối năm 1972 là nhằm mục tiêu hủy diệt hậu phương lớn của chiến trường miền Nam. Do vậy, đánh giá Hoa Kỳ thất bại và buộc phải chấm dứt ném bom theo nghĩa thuần túy quân sự là chưa hoàn toàn thỏa đáng. Thực chất, Hoa Kỳ đã phải trả một cái giá quá đắt, nhưng không đạt được kết quả đề ra và nó phải chấm dứt như chính nguyên tắc căn bản của học thuyết Nixon là Hoa Kỳ chỉ cam kết với cái giá có thể chấp nhận được. Vì vậy, việc Hoa Kỳ buộc phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả của cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam trong 12 ngày đêm cuối năm 1972.

NGUYỄN

[1] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ  17533: Bản tin tức Tổng hợp số 3175/PTUTB/R/M ngày 24-12-1972 của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo VNCH.

[2] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ  17533: Bản tin tức Tổng hợp số 3230/PTUTB/R/M ngày 30-12-1972 của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo VNCH.

[3] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ  17533: Bản tin tức Tổng hợp số 3230/PTUTB/R/M ngày 30-12-1972 của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo VNCH.

[4] Theo Bản tin tức tổng hợp của Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn ngày 26-12-1972, trong các cuộc tiếp xúc mật, Kissinger đòi thay đổi căn bản dự thảo Hiệp định ngày 20-10-1972 ở 5 điểm:

“Không để cho guồng máy chính trị của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam hoạt động sau khi có hòa bình.

Không ấn định thời gian thiết lập hội đồng chấp chính sau cuộc ngưng bắn.

Không quy định điều khoản phóng thích các tù binh chính trị tại miền Nam Việt Nam.

Không ấn định ngày bầu cử.

Buộc Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam phải thừa nhận chính phủ Việt Nam cộng hòa hiện hữu là chính phủ của Nam Việt Nam”. (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Thủ tướng VNCH (1954-1975), hồ sơ  17533).

[5] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.

[6] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.

[7] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.

[8] George Aiken, Nhật ký Thượng nghị viện, Brattleboro, 1976, tr.59-60

[9] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1232: Bản dịch thơ Nixon gởi Nguyễn Văn Thiệu ngày 8-11-1972.

[10] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1232: Bản dịch thơ Nixon gởi Nguyễn Văn Thiệu ngày 8-11-1972.

[11] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1232: Bản dịch thơ Nixon gởi Nguyễn Văn Thiệu ngày 8-11-1972.

[12] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1231: Tài liệu mật, chung quanh các cuộc mật đảm về một hiệp định chấm dứt chiến tranh vãn hồi hòa bình tại Việt Nam.

[13] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1232: Tờ trình tổng thống VNCH ngày 18-11-1972.

[14] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1289: Dự thảo thư của Nguyễn Văn Thiệu gửi Nixon ngày 29-11-1972.

[15] Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, phông Phủ Tổng thống đệ nhị cộng hòa (1967-1975), hồ sơ 1230: Tài liệu của VNCH về Hội đàm Ba Lê.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *