Tây Ninh trong địa giới hành chính Việt Nam cộng hòa 1954-1975

Tây Ninh là tỉnh nằm sát biên giới Tây Nam Việt Nam thuộc vùng Đông Nam Bộ. Phía Tây và Tây Bắc giáp với Vương quốc Campuchia; phía Đông giáp với tỉnh Bình Dương và Bình Phước; phía Nam giáp Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.

Giữ vị trí cầu nối giữa thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, giáp 3 tỉnh của Campuchia (Kompông Chàm, Prây Veng, Svay Riêng), Tây Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế và quốc phòng, từng là căn cứ địa cách mạng miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Về phía chính quyền Sài Gòn, xác định Tây Ninh là hành lang quan trọng trong việc chặn đứng sự tiếp tế của cách mạng và phỏng thủ trung tâm đầu não Sài Gòn nên nhiều lần thực hiện sự chia tách, sát nhập địa giới hành chính tỉnh.

Từ sau Hiệp định Gieneve đến đầu năm 1956, cùng với quá trình tồn tại của chế độ tay sai thân Mỹ, chính quyền Ngô Đình Diệm liên tục thực hiện thay đổi bộ máy hành chính các cấp. Tuy nhiên, trong những năm đầu nắm quyền, do tập trung vào việc thâu tóm quyền lực, đồng thời cũng vì tình hình chiến sự ở miền Nam tạm lắng (do lực lượng cách mạng miền Nam tiến hành tập kết ra Bắc theo quy định của Gieneve) nên Ngô Đình Diệm vẫn giữ nguyên trạng ranh giới hành chính cũ. Việt Nam được giới chức miền Nam chia làm ba vùng là Nam Việt, Trung Việt và Bắc Việt. Trong đó miền Nam Việt Nam bao gồm toàn bộ vùng Nam Việt, cao nguyên miền Nam và một phần Trung Việt.[1]

Việt Nam

Bắc Việt

Trung Việt

Nam Việt

Một phần Trung Việt

Cao nguyên miền Nam

Nam Việt

Đến cuối năm 1955, sau khi đánh bại các lực lượng giáo phái, tổ chức truất phế Bảo Đại, tự đưa mình lên ngôi vị Tổng thống, thiết lập ở miền Nam Việt Nam một chính thể cộng hoà, chính quyền Ngô Đình Diệm mới thực sự có những thay đổi rõ rệt về hệ thống hành chính các cấp.

Mở đầu bằng Dụ số 17 ngày 24/12/1955, thay thế chế độ Uỷ ban tại các phần bằng các Đại biểu chính phủ, thu hẹp quyền hạn và bãi bỏ ngân sách của các phần.

Ngày 23/10/1956, bằng Sắc lệnh số 144a/TTP, chính quyền Ngô Đình Diệm  tiến hành thay đổi tên gọi và địa giới các vùng trong toàn lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, Nam Việt, Bắc Việt, Trung Việt từ nay được gọi là Nam Phần, Trung Phần và Bắc Phần.

Ngày 24/10/1956, Ngô Đình Diệm ban hành tiếp Sắc lệnh số 147-a ấn định chia Trung phần làm hai miền Cao nguyên và Trung nguyên. “Lãnh thổ Cao nguyên Trung phần là lãnh thổ của cao nguyên miền Nam cũ; Lãnh thổ Trung nguyên Trung phần là lãnh thổ của cai nguyên miền Trung cũ; Tại Trung phần sẽ có một đại biểu Chính phủ và một đại biểu phụ tá; Trụ sở toà đại biểu Trung phần đặt tại Ban Mê Thuật; Trụ sở toàn đại biểi phụ tá đặt tại Huế.”[2]

Việt Nam

Bắc phần

Trung phần

Nam phần

Trung Nguyên

Cao Nguyên

Tây Nam phần

Đông Nam phần

Đến ngày 15/4/1959, ban hành tiếp Sắc lệnh số 87-TTP, thiết lập chức vụ đại biểu chánh phủ Tây Nam Nam phần gồm các tỉnh sau đây: Long An, Định Tường, Kiến Tường, Kiến Phong, Kiến Hoà, Vĩnh Bình, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, An Xuyên. Toà đại biểu chánh phủ tại Tây Nam Nam phần đặt tại Cần Thơ.

Và ngày 18/6/1959, ban hành Sắc lệnh số 138 thiết lập chức vụ Đại biểu chánh phủ cho miền Đông Nam phần gồm các tỉnh: Gia Định, Bình Dương, Tây Ninh, Biên Hoà, Bình Long, Phước Long, Phước Thành, Long Khánh, Phước Tuy, Bình Tuy. Toà Đại biểu chánh phủ miền Đông Nam phần đặt tại Bình Dương.

Cùng với sự thay đổi địa giới cấp Phần, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng liên tục có sự thay đổi địa giới cấp tỉnh. Và do lấy ranh giới hành chính làm ranh giới quân sự, nên sự thay đổi địa giới hành chính các tỉnh cũng phụ thuộc vào các yếu tố chiến thuật.

Ngày 27/7/1960, Bộ Nội vụ ra công văn số 1350/BNV/NV/3/TM về việc phân chia diện tích tỉnh ra từng khu để giao cho nhân viên hành chính phụ trách, chiếu theo thông tư số 709/BNV/NV/TM ngày 28/4/1960 đính sau, Bộ Nội vụ có chỉ thị cho các tỉnh Nam phần phân chia diện tích của tỉnh ra từng khu giao cho nhân viên hành chính đáng tin cậy và có kinh nghiệm nghiên cứu. Nhân viên phụ trách mỗi khu phải thu nhập đầy đủ tài liệu trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là việc phân định quần chúng rồi lập báo cáo tỉ mỉ trình Uỷ ban An ninh tỉnh khai thác và phối kiểm.

  Riêng tỉnh Tây Ninh, sau hiệp định Geneve 1954 có tất cả 3 huyện: Châu Thành, Trảng Bàng và Dương Minh Châu. Cùng với sự phân chia địa giới hành chính cấp tỉnh của chính quyền Sài Gòn, địa giới hành chính tỉnh Tây Ninh cũng có nhiều biến đổi:

Ngày 3/1/1957 nguỵ quyền Sài Gòn chia tỉnh Tây Ninh thành 3 quận, 10 tổng, 52 xã.[3]

  • Quận Châu Thành (quận lỵ Thái Hiệp Thạnh) có 6 tổng:
  1. Hoà Ninh có 11 xã: Thái Hiệp Thạnh, Thái Bình, Đông Tác, Ninh Thạnh Trí Bình, Thanh Điền, Ninh Điền, Long Vĩnh, Hoà Hội, Hảo Đước, Hoà Hiệp.
  2. Hàm Ninh Thượng có 6 xã: Hiệp Ninh, Long Thành, Cẩm Giang, Trường Hoà, Phước Hội, Lộc Ninh.
  3. Khăn Xuyên có 5 xã: Phum Xoài, Tapăng Roben, Praha Miệt, Đây Xoài, Tàrốt.
  4. Tabel Yul có 2 xã: Tapăngprây, Tapăng brôsốc.
  5. Chơn Bà Đen có 3 xã: Kédol, Cà Nhum, Rùng.
  6. Băng Chrum có 2 xã: Băng Chrum Srey, Prey Teech.
  • Quận Gò Dầu Hạ (quận lỵ: Thanh Phước) có 3 tổng:

1.Ninh có 6 xã: An Thanh, Bình Thạnh, Lợi Thuận, Phước Lưu, Phước Thạnh, Thanh Phước.

  1. Triêm Hoá có 4 xã: Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Thuận Lợi.
  2. Giai Hoá có 6 xã: Choot Sre, Long Chữ, Long Khánh, Long Giang, Long Thuận, Tiên Thuận.
  • Quận Trảng Bàng (quận lỵ: Gia Lộc) có 1 tổng:
  1. Hàm Ninh Hạ có 7 xã: Gia Lộc, An Hoà, An Tịnh, Đôn Thuận, Gia Bình, Lộc Hưng, Phước Chỉ.

Để phục vụ cho công cuộc bình định cũng như dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, ngày 28/3/1957, chính quyền Sài Gòn ấn định lại và bãi bỏ 3 tổng: Khăn Xuyên, Tabel Yul, Băng Chrum thuộc quận Châu Thành, sáp nhập các xã: Cà Nhum, Rùng, Băng Chrum Srey, Prey Têch vào xã Kédol thuộc tổng Chơn Bà Đen quận Châu Thành.

Tổng Chơn Bà Đen gồm 6 xã: Kédol, Phum Xoài, Tapăng Rôben, Praha Miệt, Đây Xoài, Tàrốt.[4]

Ngày 26/11/1957, xã Đông Tác nhập vào xã Thái Hiệp Thạnh.[5]

Bên cạnh đó, với những tổng, xã có tên gọi phức tạp, ngày 4/3/1958, chính quyền Sài Gòn cũng đổi thành tên ngắn gọn, dễ nhớ, thuận tiện hơn trong việc quản lý. Đối với Tây Ninh, chính quyền Sài Gòn đổi tên một loạt tổng, xã:

Tổng Chơn Bà Đen thành Lộc An, xã Tà Nốt thành Phước Hoà, Tapăngprây thành Phước An, Tapăngbrôsốc thành Phước Vinh, Đây Xoài thành Phước Lộc, Praha Miệt thành Phước Lợi, Phum Xoài thành Phước Trường, Tapăng Rôben thành Phước Tân, Kédol thành Tân Hưng, Chốt Sre thành Long An.

Năm 1959, Ngô Đình Diệm chủ trương chia nhỏ đơn vị hành chính để kiểm soát chặt chẽ hơn. Ở Tây Ninh, chia quận Châu Thành ra làm hai quận: Phước Ninh (quận lỵ: Bến Sỏi sau đổi ra Tầm Long) và Phú Khương (quận lỵ: Suối Đá). Chia quận Gò Dầu ra hai quận: Hiếu Thiện (quận lỵ: Bến Cầu) và Khiêm Hanh (quận lỵ: Bàu Đồn).[6]

Từ năm 1960 trở đi, sau cao trào Đồng Khởi, phong trào Cách mạng miền Nam ngày càng lớn mạnh, trưởng thành cả về thế và lực. Mỹ – Diệm càng tăng cường hơn nữa trong việc đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam. Bên cạnh việc tổ chức liên tục các cuộc hành quân càn quét, Diệm còn thực hiện “Quân sự hoá” bộ máy công quyền, đưa sĩ quan quân đội nắm các chức vị Tỉnh, Thị và Quận trưởng, các Dinh điền, các Khu Trù mật, Ấp chiến lược và trực tiếp chỉ huy bộ máy Chính quyền ở địa phương. Bộ máy hành chính các tỉnh được ấn định lại cho phù hợp với chính sách quân sự hóa của Việt Nam Cộng hòa.

Theo đó, ngày 26/11/1960 Bộ nội vụ Việt Nam Cộng hòa ra Nghị định số 1567 – BNV/NB – 8/NĐ ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh. Theo nghị định này, tổ chức các đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh[7] như sau:

Quận

Quận lỵ

Tổng

Phú Khương Suối Đá Hàm Ninh Thượng Phước Hội

Thái Hiệp Thành

Ninh Thạnh

Hiệp Ninh

Long Thành

Cẩm Giang

Trường Hòa

Lộc Ninh

Tấn Hưng

Lộc An Tân Hội

Tân Long

Phước Ninh Bến Sỏi Hoà Ninh Thái Bình

Trí Bình

Thanh Điền

Hoà Hội

Long Vĩnh

Ninh Điền

Phước Tân

Phước Trường

Phước Hưng Phước Hoà

Hòa Hiệp

Phước An

Phước Vinh

Hảo Đước

Phước Lộc

Phước Lợi

Hiếu Thiện Xóm Giữa Mỹ Ninh Phước Lưu

Bình Thạnh

Phước Chỉ

An Thạnh

Lợi Nhuận

Gia Hoá Tiên Thuận

Long Thuận

Long Giang

Long Khánh

Long Chữ

Long An

Khiêm Hanh Bàu Đồn Triêm Hoá Thuận Lợi

Thanh Đức

Hiệp Thạnh

Phước Trạch

Thanh Bình Phước Thạnh

Đôn Thuận

Hàm Ninh Hạ Gia Bình

Lộc Hưng

Gia Lộc

An Hoà

An Tịnh

Tổng cộng 4 quận 9 tổng 49 xã

 Bước qua năm 1960, sau cuộc Đồng Khởi của quân dân miền Nam, tình hình chiến trường có nhiều thay đổi theo hướng bất lợi điều đó buộc Mỹ – Diệm phải có sự thay đổi chiến thuật quân sự. Và do đó, tổ chức vùng quân sự của Việt Nam Cộng hòa cũng có sự thay đổi cho phù hợp. Tổ chức lãnh thổ quân sự theo từng Quân khu bị bãi bỏ, thay vào đó là sự phân chia lãnh thổ quân sự thành các Vùng Chiến Thuật.

Ngày 26/11/1962, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra sắc lệnh số 213/QP sửa đổi Sắc lệnh số 98/QP ngày 13/4/1961 chia miền Nam Việt Nam thành 4 vùng chiến thuật và 1 biệt khu Thủ đô.

Ranh giới các vùng chiến thuật cũng được ấn định như sau:

1-Vùng I chiến thuật gồm 4 tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín.

2-Vùng II chiến thuật gồm 6 tỉnh: Quảng Ngãi, Kontum, Pleiku, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn.

3-Vùng III chiến thuật gồm 16 tỉnh: Darlak, Quảng Đức, Tuyên Đức, Khánh Hoà, Phước Long, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Long, Phước Thành, Long Khánh, Bình Tuy, Tây Ninh, Bình Dương, Biên Hoà, Phước Tuy.

4- Vùng IV chiến thuật gồm có 14 tỉnh: Long An, Kiến Tường, Định Tường, Kiến Phong, Kiến Hoà, Vĩnh Long, An Giang, Vĩnh Bình, Phong Dinh, Kiên Giang, Chương Thiện, Ba Xuyên, An Xuyên và Côn Sơn.

Biệt khu thủ đô gồm có Sài Gòn và tỉnh Gia Định.[8]

Trên cơ sở thống nhất về mặt lãnh thổ trên toàn miền Nam, ngày 14/3/1963 Tổng thống Việt Nam Cộng hoà ra Sắc lệnh số 21 – NV sát nhập xã Bến Củi thuộc quận Khiêm Hanh tỉnh Tây Ninh vào quận Tri Tâm tỉnh Bình Dương.[9] Nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho tỉnh Bình Dương.

Tháng 10/1963, để tăng cường tuyến phòng thủ phía tây bắc Sài Gòn, chính quyền Sài Gòn lại tách hai quận Đức Hoà và Đức Huệ khỏi tỉnh Long An nhập với quận Phú Đức (Trảng Bàng – Tây Ninh) và Củ Chi (của Gia Định) lập thành tỉnh Hậu Nghĩa.[10]

Ngày 3/11/1963, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cánh mạng đã buộc Mỹ phải tiến hành thay “ngựa” giữa dòng. Dưới sự hậu thuẫn của CIA – Mỹ, Dương Văn Minh đứng đầu nhóm tướng lãnh Sài Gòn làm cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm, đặt dấu chấm hết cho nền Đệ nhất Cộnh hoà ở miền Nam Việt Nam. Và từ năm 1963 – 1965, chính thể cộng hoà ở miền Nam Việt Nam rơi vào cuộc khủng hoảng triền miên với đảo chánh nối tiếp đảo chánh.

Do sự hỗn loạn của chính trường miền Nam, nên giai đoạn 1963-1964, địa giới hành chính ở miền Nam Việt Nam không có sự thay đổi là mấy so với thời kỳ Đệ nhất Cộng hoà.

Bước sang năm 1965, Quận lỵ Phước Ninh (tỉnh Tây Ninh) đặt tại Bến Sỏi, đang bị đe doạ, dễ bị cô lập và không thể phát triển về kinh tế, nên tỉnh Tây Ninh xin dời quận lỵ này từ Bến Sỏi đến ngã ba Tầm Long, để tiện việc tiếp viện, yểm trợ bằng pháo binh và kiểm soát chặt chẽ các vùng đông dân cư như: Trí Bình, Trao Xá, Xóm Ruộng, Thái Bình, Thanh Điền.

Bộ tư lệnh vùng 3 chiến thuật tán đồng đề nghị trên của tỉnh trưởng Tây Ninh và cho đặt một tiền đồn tại quận lỵ cũ.

Chiếu theo đề nghị của tỉnh trưởng Tây Ninh, ngày 21/4/1965, Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định dời quận lỵ Phước Ninh trước ở Bến Sỏi đến ngã ba Tầm Long (xã Trí Bình).[11]

Trước đây vì quận Khiêm Hanh (thuộc tỉnh Tây Ninh) không kiểm soát được xã Bến Củi, nên xã này được sáp nhập vào quận Trị Tâm tỉnh Bình Dương. Ngày 20/1/1967, Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp trung ương Việt Nam Cộng hoà ra sắc lệnh: “Sáp nhập xã Bến Củi, quận Tri Tâm, tỉnh Bình Dương trở lại thuộc quận Khiêm Hanh, tỉnh Tây Ninh.”[12] Vì thấy nay tình hình an ninh tại xã Bến Củi khả quan và quận Khiêm Hanh có đủ khả năng kiểm soát xã trên. Đặc biệt việc hoàn trả xã Bến Củi trở lại quận Khiêm Hanh, tỉnh Tây Ninh sẽ có ảnh hưởng tâm lý rất tốt trong dân chúng vì dân xã này đã quen lối sinh hoạt của tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, về phương diện hành chính và quân sự cũng được cải thiện.

Bên cạnh đó, Quận Phú Khương được xây cất trên phần đất tọa lạc tại Long Hoa, xã Long Thành, trước kia đã được Hội Thánh Cao Đài dự trù lập Khu Đại học. Theo thỉnh nguyện của Hội Thánh Cao Đài, tỉnh Tây Ninh đã xin dời Văn Phòng Quận Phú Khương đến Trung tâm Mít Một thuộc xã Thái Hiệp Thạnh để hoàn trả sổ đất cho Hội Thánh xây cất trường Đại học.

Trung tâm Mít Một, hiện có sẵn cơ sở đang dùng làm Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn 3/64 Địa Phương Quân và khi văn phòng Phú Khương dời về thì Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 3/64 Địa Phương Quân sẽ di chuyển đến cạnh Tiểu khu Tây Ninh.

Trên cơ sở đó, ngày 10/2/1972, Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà ra Nghị định dời văn phòng quận Phú Khương tỉnh Tây Ninh từ xã Long Thành đến Mít Một thuộc xã Thái Hiệp Thạnh cùng quận[13].

Ngày 20/3/1975, Tổng trưởng Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra Nghị định chia ấp Mỏ Công thuộc xã Thiện Ngôn, quận Phước Ninh, tỉnh Tây Ninh thành hai ấp lấy tên là Ấp Thiện Đức và Ấp Thiện Hòa.[14]

Nhìn chung, cho tới ngày 30-4-1975, ngoài một số thay đổi về các trung tâm hành chính cấp quận, chính quyền Sài Gòn về cơ bản giữ nguyên địa giới hành chính tỉnh Tây Ninh như dưới thời Ngô Đình Diệm.

Lê Vị – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II

[1] Sắc lệnh số 61 – QP ngày 2/6/1952.

[2] Sắc lệnh số 144a/TTP ngày 23/10/1956 sửa đổi danh hiệu Nam Việt, Trung Việt, Bắc Việt ra danh hiệu Nam phần, Trung phần và Bắc phần. Công báo Việt Nam 1956, tr.2715; Sắc lệnh số 147a ngày 24/10/1956 ấn địn chia Trung phần làm hai miền: Trung Nguyên và Cao Nguyên. Công báo Việt Nam 1956, tr.2716.

[3] Nghị định 01/BNV/HC-NĐ,q12 Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

[4] Theo Nghị định 103/BNV/HC/NĐ của Việt Nam Cộng hoà.

[5] Nghị định 343/BNV/NĐ của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

[6] SL số 95NV và 116 ngày 17/4/1959, Việt Nam Cộng hoà.

[7] Công báo Việt Nam cộng hòa năm 1960, tr. 5704.

[8] Hồ sơ số 4764, Phông Phủ Thủ Tướng Việt Nam Cộng hoà.

[9] Hồ sơ số 8616, Phông Phủ Thủ Tướng Việt Nam Cộng hoà.

[10] SL số 124 NV ngày 15/10/1963, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà.

[11] Tài liệu số 641-NV ngày 21/4/1965, v/v dời quận lỵ Phú Khương tỉnh Tây Ninh đến chợ Long Hoa, hồ sơ số 10519, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.

[12] Tên tài liệu, số 14-SL/ĐUHC, ngày 20/1/1967, v/v (Sáp nhập xã Bến Củi, quận Tri Tâm, tỉnh Bình Dương trở lại thuộc quận Khiêm Hanh, tỉnh Tây Ninh), hồ sơ số 10509 , phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.

[13] Tên tài liệu, số1813-NV., ngày 22/9/1964, v/v (Dời quận Phú Khương tỉnh Tây Ninh đến chợ Long Hòa xã Long Thanh ), số 614-NV, ngày 21/4/1965, v/v (Dời quận Phước Ninh trước ở Bến Sỏi đến Ngã Ba Tâm Long xã Trí Bình),  số 143-NĐ/NV, ngày 10/2/1972, v/v (Dời văn phòng quận Phú Khương tỉnh Tây Ninh từ xã Long Thành đến Mít Một thuộc xã Thái Hiệp Thạnh cùng quận ), hồ sơ số 10519., phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.

[14] Nghị định số 214/BNV/NĐ ngày 20/3/1975, v/v: Chia ấp Mỏ Công thuộc Xã Thiện Ngôn, Quận Phước Ninh, Tỉnh Tây Ninh thành 2 ấp mới lấy tên Thiện Đức và Thiện Hoà, hồ sơ số 10519, phông Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *