Trong lịch trình hành chính Nam kỳ dưới triều đại nhà Nguyễn, vùng Tây Ninh là dải đất biên ải, đầu mối giao thương giữa trấn Gia Đình và trấn Tây. Những thập niên đầu triều, kiểm soát vùng đất địa đầu biên giới, nhà Nguyễn thành lập đạo Quang Hóa – mang tính chất quân sự hơn là một đơn vị hành chính.
Đến năm 1836, địa danh Tây Ninh[1] xuất hiện trên bản đồ hành chính Nam kỳ, với cấp hành chính Phủ gồm hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa, trực thuộc tỉnh Gia Định. Trước đó, năm 1832, trong cuộc cải cách hành chính toàn quốc, đối với đất Nam kỳ, vua Minh Mạng đổi 5 trấn thời Gia Long: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên thành 5 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tưởng, Vĩnh Long, Hà Tiên. Đồng thời, lấy đất Tân Châu, Châu Đốc và hai huyện ở phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh lập thành tỉnh An Giang([2]). Hình thành 6 tỉnh ở Nam kỳ nên được gọi là “Nam kỳ lục tỉnh”.
Về tổ chức bộ máy hành chính, ở cấp tỉnh, nhà vua đặt các chức quan Tổng đốc, Tuần phủ, Bồ chính sử, Án sát xứ và Lãnh binh lo việc cai trị dân. Trong đó, quan Tống đốc và Tuần phủ do triều đình cắt cử xuống, còn lại là các quan địa phương. Trên thực tế, chức quan Tổng đốc chỉ được thiết lập ở những địa phương quan trọng, xung yếu, có nhiệm vụ cai quản 2-3 tỉnh kế cận. Các tỉnh nhỏ, triều đình nhà Nguyễn cắt cử quan Tuần phủ với tranh nhiệm cai quản địa phương về chính trị, giáo dục và giữ gìn phong tục. Quan Bố hay Bố chính sử coi việc thuế vụ, dinh điền, canh nông. Quan Án hay Án sát sứ coi việc hình luật. Lãnh binh chịu trách nhiệm về binh lính và quân vụ.
Dưới cấp tỉnh, nhà Nguyễn phân thành các cấp Phủ – Huyện – Tổng – Làng. Tương ứng có các chức quan cai trị Tri phủ – Tri huyện – Cai tổng (chánh tổng). Riêng Làng – đơn vị hành chính cơ bản, do một Thôn trưởng cai quản dưới sự phụ tá Hội đồng Hương thôn với một số trùn, trưởng, phó lý tùy vào cấp độ làng. Hội đồng Hương thôn chia làm hai hạng hương chức. Hương chức lớn gồm: Hương cả, Hương chủ, hương sư, hương trưởng, tham trưởng, hương bảo, hương nhứt, hương nhì, hướng chánh, hương lễ, hương văn, hương quan, hương ấm, hương thân, hương hào, hương bộ, thủ chỉ, thủ bốn, thủ khoán, câu đương, cai đinh, thôn trưởng. Hương chức nhỏ: Lý trưởng, ấp trưởng, trùm dịch, cai thị, cai binh, cai thôn.
Trước khi thực dân Pháp xâm lược (1859), ở Nam kỳ vẫn duyu trì cơ cấu hành chính các cấp từ tỉnh trở xuống. Nhưng ở bên trên, vua Tự Đức thiết lập Nam kỳ thành ba quận do quan Tổng đốc cai trị.
ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH NAM KỲ NĂM 1859[3]
Quận |
Tỉnh |
Phủ |
Huyện |
Định Biên | Gia Định | Tân Bình | Bình Dương
Bình Long Tân Long |
Tân An | Cửu An
Phước Lộc |
||
Hòa Thanh | Tân Hòa
Tân Thành |
||
Tây Ninh | Tân Ninh
Quang Hóa |
||
Biên Hòa | Phước Long | Phước Chánh
Bình An Nghĩa An Phước Bình |
|
Phước Tuy | Phước An
Long Thành Long Khánh |
||
Long Tường | Định Tường | Kiến An | Kiến Hưng
Kiến Hòa |
Kiến Tường | Kiến Phong
Kiến Đăng |
||
Vĩnh Long | Định Viễn | Vĩnh Bình
Vĩnh Trị |
|
Hoằng An | Tân Minh
Duy Minh |
||
Hoằng Trị | Bảo An
Bảo Trị |
||
Lạc Hóa | Tuần Nghĩa
Phong Phú |
||
An Hạ | An Giang | Tuy Biên | Tây Xuyên
Phong Phú |
Tân Thành | Vĩnh An
Đông Xuyên An Xuyên |
||
Ba Xuyên | Phong Nhiêu
Phong Thạnh Vĩnh Định |
||
Hà Tiên | Quảng Biên | Khai Biên
Vĩnh Trường |
|
An Biên | Hà Châu
Long Xuyên Kiên Giang |
||
Tịnh Biên | Hà Dương
Hà Âm |
Năm 1862, khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, thực dân Pháp giữ nguyên địa giới hành chính Nam kỳ và đưa các sĩ quan xuống các phủ, huyện để cai trị gọi là “Quản đốc bổn quốc sự vụ” (Directeur des Affaires Indigènes). Sau đó, De La Grandière – Đô đốc Pháp, chia ba tỉnh miền Đông thành 7 khu vực chỉ huy (commandement): Bà Rịa, Biên Hòa, Cần Giuộc, Mỹ Tho, Sài Gòn – Chợ Lớn, Tân An – Gò Công và Tây Ninh[4]. Ngày 19-11-1864, chuyển từ chế độ cai trị quân sự sang dân sự, De La Grandière thiết lập chế độ Tham biện ở các phủ, huyện, đặt dưới sự điều hành chung của tòa Thượng thơ (Direction de L’Intérieur). Năm 1865, Nam kỳ có các sở tham biên: Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tây Ninh, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Cai Lậy, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh, Bà Rịa. Qua năm 1866 thành lập thêm sở tham biên Trảng Bàng[5].
Năm 1867, sau khi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, áp dụng chế độ tham biện cho toàn Nam kỳ, thực dân Pháp chia Nam kỳ thành 24 sở tham biện, đặt thuộc 6 tỉnh: Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên[6]. Tại vùng Tây Ninh, chính quyền thực dân thiết lập 2 sở tham biện: Tây Ninh và Quang Hóa (thay cho Trảng Bàng), đặt thuộc tỉnh Sài Gòn. Những năm sau đó, thực dân Pháp nhiều lần tách nhập địa giới các sở tham biện. Đến năm 1895, toàn Nam kỳ có 21 sở tham biện.
Ngày 20-12-1899, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định bãi bỏ chế độ tham biện, thiết lập thành các tỉnh đặt dưới sự cai trị của các Chủ tỉnh người Pháp[7]. Theo nghị định này, từ ngày 1-1-1900, 21 sở tham biện ở Nam kỳ được gọi là tỉnh, bao gồm: Bặc Liêu, Biên Hòa, Châu Đốc, Gò Công, Mỹ Tho, Sốc Trăng, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bà Rịa, Cần Thơ, Chợ Lớn, Hà Tiên, Rạch Giá, Tân An, Thủ Dầu Một, Bến Tre, Cap-Saint Jacques, Gia Định, Long Xuyen, Sa Đéc, Tân Bình, Trà Vinh.
Ở bên dưới, chính quyền Pháp tổ chức thành các cấp hành chính: Quận – Tổng – Làng.
Về tổ chức chính quyền, đứng đầu Nam kỳ là Thống đốc Nam kỳ – một người Pháp, do Tổng thống Pháp bổ nhiệm theo sự giới thiệu của Toàn quyền Đông Pháp và Tổng trưởng Thuộc địa. Về quyền hạn, Thống đốc Nam kỳ chịu trách nhiệm trực tiếp trước Toàn quyền Đông Dương về lĩnh vực hành chính tổng quát và trật tự công cộng. Nhưng không có quyền trục xuất người Âu châu. Phụ tá cho Thống đốc là Thanh tra Chính trị và Hành chính (Inspecteur des Affaires politiques et administratives), giữ vai trò liên lạc và kiểm soát các tỉnh. Hàng năm, Thanh tra Chính trị và Hành chính phải thực hiện thanh tra các tỉnh một lần để phúc trình lên Thống đốc.
Đối với hành chính địa phương, thực dân pháp thiết lập các chức:
Chủ tỉnh – một viên quan người Pháp đã được đào tạo tại trường Thuộc địa Pháp, chịu trách nhiệm về các mặt hành chính, tài chính, tư pháp, quân sự ở địa phương trước Thống đốc Nam kỳ.
Chủ quận – một viên quan hành chính người Việt, ngạch huyện, phủ hoặc đốc phủ sứ, đại diện chính quyền thực dân tại địa hạt quản lý.
Chánh, phó Tổng là đại diện dân sự liên lạc với nhà chức trách Pháp trong tỉnh.
Ban Hội tề làng gồm: Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ hay Thủ bộ, Hương thân, Xã trưởng hay Thôn trưởng, Hương hào, Chánh lục bộ – là những điền chủ, người làng giàu có, viên chức hồi hưu,… có trách nhiệm thu thuế, điền lính, coi việc giao thông, đê đập, rượu và nha phiến lậu,…
Sự phân cấp hành chính này được duy trì đến năm 1945. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật hất cẳng thực dân Pháp, thiết lập chế độ cai trị phát xít ở Việt Nam. Ở Nam kỳ, các quan cai trị cấp cao của Pháp bị thay thế bởi người Nhật. Chức Thống đốc Nam kỳ được chuyển từ Hoeffel qua tay của quan Nhật – Minoda.
Ngày 14-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, Nguyễn Văn Sâm được Bảo Đại sung chức Khâm sai Nam bộ, lên đường ra kinh kỳ nhậm chức. Ngày 19-8-1945, Minoda giao quyền cai trị Nam bộ cho chính phủ Bảo Đại. Ngày 22-8-1945, Nguyễn Văn Sâm về đến Sài Gòn. Chưa kịp thực thi trách nhiệm Khâm sai, ngày 25-8-1945, Việt Minh lãnh đạo nhân dân Nam bộ khởi nghĩa giành chính quyền, Nguyễn Văn Sâm từ chức.
Nhưng không từ bỏ dã tâm xâm lược Việt Nam, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp theo gót quân đội Anh, nổ súng tái chiếm Nam bộ. Sau khi chiếm lại Nam bộ, thực dân pháp khôi phục chế độ cai trị trước đây.
Đến năm 1949, liên tiếp bị thua trên chiến trường và dưới sức ép của Mỹ, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp ước Élysée (8-3-1949), trao quyền tự trị cho Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại làm Quốc trưởng. Về Việt Nam nhiếp chính, Bảo Đại chia quốc gia Việt Nam làm ba phần: Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt, thêm một vùng gọi là Hoàng triều Cương thổ. Ở Nam bộ, Bảo Đại thiết lập chế độ Thủ hiến. Mặc dù có sự thay đổi hành chính ở trung ương, nhưng về căn bản các cấp hành chính địa phương từ tỉnh trở xuống được chính quyền thực dân và tay sai giữ nguyên như trước năm 1945. Và sự phân chia hành chính trên được duy trì cho đến năm 1954.
Hà Kim Phương – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
[1] Viện Sử học, Đại Nam thực lục, tập IV, Nxb Giáo dục, tr.988
[2] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.24
[3] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.27-29
[4] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.33
[5] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.33
[6] Đào Văn Hội, Lịch trình hành chánh Nam phần, 1961, vn.1528, TT LTQG II, tr.36
[7] Nghị định ngày 20-12-1899 của Toàn quyền Đông Dương v/v đổi hạt, tham biện, tiểu khu thành tỉnh, Công báo Đông Dương năm 1900, số ký hiệu J.70, TT LTQG II, tr.30
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch