- Tổng quan về Trung tâm Lưu trữ quốc gia II
Trung tâm Lưu trữ quốc gia II được thành lập theo Quyết định số 252/BT ngày 29 tháng 11 năm 1976 của Bộ trưởng – Chủ nghiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng, hoạt động theo Quyết định số 72-QĐ/TC ngày 17 tháng 12 năm 1976 của Cục trưởng Cục Lưu trữ, được đổi tên thành Trung tâm Lưu trữ quốc gia II theo Quyết định số 223/CT ngày 08 tháng 8 năm 1988 của của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Hiện nay Trung tâm Lưu trữ quốc gia II hoạt động theo Quyết định số 165/QĐ-VTLTNN ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, theo Quyết định này Trung tâm Lưu trữ quốc gia II là tổ chức sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước có chức năng trực tiếp quản lý tài liệu, tư liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thời kỳ Phong kiến, Pháp thuộc, Mỹ – Nguỵ, của các cơ quan Trung ương thuộc Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hoà miền Nam Việt Nam, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức Trung ương khác trên địa bàn từ Đồng Nai vào phía Nam theo quy định của pháp luật và quy định của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.
Hiện nay Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đang quản lý trên 14.000 mét giá tài liệu của 169 phông/sưu tập tài liệu, 4.396 đĩa hát, 597 cuộn băng ghi âm, 309 đĩa CD (Mộc bản 184 + Ghi âm 125); 21 cuốn băng video và hơn 104.800 ảnh có thời gian từ 1564 đến nay, bao gồm các loại hình tài liệu:
– Tài liệu hành chính: gồm có tài liệu thời kỳ phong kiến, Pháp thuộc; Việt Nam Cộng hòa; tài liệu thời kỳ cách mạng.
– Tài liệu khoa học kỹ thuật: gồm có tài liệu bản đồ hình thành trong thời kỳ Pháp thuộc và thời kỳ Mỹ ngụy từ năm 1839 – 1975 gồm Bản đồ hành chính, quân sự, giao thông, Nông ngư nghiệp và bản đồ địa lý các nước Đông Dương và thế giới; tài liệu xây dựng cơ bản của các cơ quan trung ương đóng tại phía Nam từ 1802 – 2005
– Tài liệu nghe nhìn: chủ yếu là phim, ảnh thời sự, ghi lại các cuộc tiếp xúc của các quan chức, tướng lãnh các nước với quan chức Nguỵ quyền Sài Gòn. Các cuộc hội thảo, kinh lý của các quan chức cao cấp nguỵ quyền miền Nam trước năm 1975.
– Tài liệu của các cá nhân, gia đình, dòng họ: từ năm 1564 – 2014
– Tư liệu lưu trữ: gồm sách; công báo; báo; tạp chí từ năm 1862 – 2014 có liên quan đến nội dung tài liệu lưu trữ dùng để tra cứu bổ trợ.
- Tổ chức sử dụng tài liệu
Tổ chức sử dụng tài liệu lưu trữ là một mặt của hoạt động thông tin khoa học và là một trong những chức năng quan trọng và tất yếu của các lưu trữ quốc gia.
Để quản lý tài liệu và độc giả, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã thực hiện các quy định của nhà nước và ngành lưu trữ nhằm phát huy giá trị của tài liệu phục vụ lợi ích xã hội, từng bước cải cách các thủ tục hành chính. Đến nay, một số văn bản của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước ban hành được áp dụng tại Trung tâm II như: văn bản số 218/VTLTNN-NVTW ngày 01/4/2009 về việc xét duyệt cho người nước ngoài khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia; Quyết định số 104/QĐ-VTLTNN ngày 22/04/2009 Ban hành Quy trình phục vụ độc giả tại Phòng đọc và Quy trình cấp bản sao, chứng thực lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia theo TCVN ISO 9001:2000; Công văn số 397/LTNN-NVTW ngày 22/8/2001 của Cục Lưu trữ Nhà nước hướng dẫn xác định hồ sơ, tài liệu lưu trữ thuộc diện hạn chế sử dụng tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, trong đó quy định 6 nhóm tài liệu thuộc diện hạn chế sử dụng là: Tài liệu chứa đựng bí mật nhà nước; tài liệu chứa đựng bí mật đời tư của công dân; tài liệu có nội dung nếu sử dụng rộng rãi có thể ảnh hưởng đến lợi ích chung của đất nước hay xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân; tài liệu là bản gốc, bản chính tài liệu lưu trữ đặc biệt quý, hiếm; tài liệu bị hư hỏng nặng hoặc có nguy cơ hư hỏng nặng chưa được tu bổ, phục chế và tài liệu đang trong quá trình xử lý tri thức và xử lý kỹ thuật… Đặc biệt trong Điều 30 của Luật Lưu trữ năm 2011 đã quy định các thủ tục rất đơn giản cho người nghiên cứu: “Người sử dụng tài liệu lưu trữ tại Lưu trữ lịch sử phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; trường hợp sử dụng để phục vụ công tác thì phải có giấy giới thiệu hoặc văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức nơi công tác”[1].
Trên cơ sở Luật Lưu trữ ban hành, ngày 01/10/2014 Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 10/TT/2014/TT-BNV quy định việc sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng đọc của các lưu trữ lịch sử, Thông tư hướng dẫn cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc phục vụ và sử dụng tài liệu lưu trữ tại Phòng đọc cùng mẫu các con dấu chứng thực và biểu mẫu sử dụng, khai thác, trong đó phân quyền nhiều hơn cho người đứng đầu lưu trữ lịch sử các cấp trong việc kiểm duyệt tài liệu thuộc danh mục hạn chế. Tiếp đó, để cụ thế hoá ngày 25 tháng 11 năm 2015 Bộ Nội vụ ban hành tiếp Thông tư số 05/2015/TT-BNV quy định Danh mục tài liệu hạn chế sử dụng tại lưu trữ lịch sử các cấp và quy định rõ thành phần tài liệu hạn chế sử dụng.
Từ các quy định của ngành, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cũng đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-TTLTII ngày 25/6/2013 về Nội quy Phòng đọc quy định thủ tục, quyền lợi, trách nhiệm của độc giả và nhiệm vụ của cán bộ Phòng đọc nhằm cụ thể hóa các quy định của nhà nước. Theo quy định này, thủ tục đối với Độc giả khi đến khai thác tài liệu đã được cải tiến rất nhiều, nhất là đối với độc giả nước ngoài không cần phải qua Đại Sứ quán như trước đây mà chỉ cần xuất trình: chứng minh thư hoặc passport; ảnh (3×4) làm thẻ độc giả; Giấy giới thiệu của cơ quan hoặc tổ chức; mẫu đơn xin đọc tài liệu sẽ do Trung tâm cung cấp.
Đối tượng độc giả mà Trung tâm phục vụ là: các nhà nghiên cứu; giảng viên các trường đại học; nghiên cứu sinh; sinh viên; các cơ quan, tổ chức và người dân, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến từ các nước: Pháp, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…. sử dụng các ngôn ngữ khác nhau. Trong quá trình khảo sát ý kiến của độc giả, đa số các độc giả trong và ngoài nước được khảo sát đều đánh giá cao cung cách phục vụ của cán bộ Phòng đọc, cơ sở vật chất Phòng đọc khang trang, các quy định chặt chẽ. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần đề nghị xem xét, như: hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đưa nên mạng internet, thời gian phục vụ độc giả chưa được nhiều, công tác quảng bá tài liệu lưu trữ còn chưa phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp… từ những đề nghị trên Trung tâm II đã tiến hành sửa đổi nội quy Phòng đọc theo hướng thuận lợi cho độc giả, đồng thời tăng thời gian phục vụ độc giả nên 30 phút/ngày.
Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin của độc giả, thời gian qua Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã triển khai xây dựng phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ và từng bước nâng cấp, phát triển các phần mềm tra cứu như: tài liệu hành chính; tài liệu bản đồ; Sổ bộ – Hán nôm phục vụ công tác khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu. Cho đến nay, độc giả có thể tra cứu cơ sở dữ liệu thông tin cấp 2 là 73 phông với số lượng khoảng 234.561 hồ sơ, số phông và hồ sơ còn lại đang được chuẩn hóa để đưa lên mạng. Việc ứng dụng phần mềm tra cứu tài liệu đã tạo điều kiện cho độc giả tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hữu hiệu, giảm thiểu thời gian tra cứu trên mục lục hồ sơ từng phông.
Trong quá trình nghiên cứu của độc giả, chúng tôi thấy một số phông tài liệu được độc giả khai thác thường xuyên như: Phủ Thống đốc Nam Kỳ 1859-1945, Phủ Thủ tướng Quốc gia Việt Nam 1948-1955, Phủ Thủ tướng Việt Nam Cộng Hòa 1955-1975, Phủ Tổng thông Đệ nhất Cộng hòa 1955-1963; Phủ Tổng thống Đệ nhị Cộng hòa 1967-1975, Sưu tập bản đồ thời kỳ Pháp thuộc và Mỹ ngụy 1838-1975…, là những phông tài liệu có thể nói là xuyên suốt thời kỳ lịch sử của đất nước.
Đến nay, một số hình thức khai thác sử dụng tài liệu đang được áp dụng tại Trung tâm như: Phục vụ độc giả tại Phòng đọc; Cấp bản sao tài liệu; Thông báo nội dung tài liệu lưu trữ; Công bố ấn phẩm, giới thiệu tài liệu; Xây dựng phim tuyên truyền về ngành lưu trữ và tài liệu lưu trữ; Tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm đang được đẩy mạnh.
Theo kết quả ghi nhận: “Từ năm 1976-2000 Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã tiếp và phục vụ 13.380 lượt độc giả với 1.982 đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, đưa ra phục vụ được 43.112 đơn vị bảo quản, cấp 94.066 trang A4 bản sao tài liệu, 561 Giấy chứng nhận lưu trữ”[2]. Các đề tài nghiên cứu chia theo các lĩnh vực: Lịch sử; kinh tế; chính trị; quân sự; ngoại giao; giáo dục, văn hóa, xã hội; khoa học kỹ thuật; đoàn thể, tôn giáo; Biên giới; Hải đảo; địa chính; tư pháp; lao động; giao thông công chánh, xây dựng; tổ chức, hành chính quản trị, nhân sự; văn thư lưu trữ.
Từ năm 2001 đến 2015, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II phục vụ tại Phòng Đọc khoảng 86.838 hồ sơ và 303.055 trang tài liệu cung cấp. Theo số liệu ghi nhận từ năm 2001 – 12/2015 Trung tâm II đã phục vụ độc giả như sau:
Năm | Số lượng độc giả | Số lượng hồ sơ phục vụ | Số trang bản sao cung cấp | Mục đích nghiên cứu | |||||
Tổng số | Trong nước | Nước ngoài | Viết luận án Tiến sỹ | Viết luận văn Thạc sỹ | Nghiên cứu lịch sử và xuất bản | Khác | |||
2001 | 321 | 301 | 20 | 2.234 | 6.023 | 23 | 03 | 16 | 279 |
2002 | 385 | 357 | 28 | 4.856 | 19.493 | 18 | 08 | 28 | 109 |
2003 | 214 | 205 | 09 | 5.316 | 14.155 | 12 | 07 | 25 | 118 |
2004 | 152 | 134 | 18 | 3.671 | 15.337 | 8 | 06 | 13 | 117 |
2005 | 161 | 134 | 27 | 4.160 | 17.623 | 14 | 08 | 08 | 119 |
2006 | 129 | 110 | 19 | 3.489 | 9.312 | 12 | 17 | 16 | 84 |
2007 | 178 | 139 | 39 | 4.712 | 8.541 | 21 | 11 | 12 | 134 |
2008 | 171 | 138 | 33 | 5.345 | 25.180 | 18 | 14 | 26 | 113 |
2009 | 163 | 145 | 18 | 5.095 | 10.750 | 12 | 16 | 10 | 120 |
2010 | 172 | 152 | 20 | 7.029 | 11.201 | 10 | 32 | 33 | 97 |
2011 | 217 | 193 | 24 | 8.444 | 24.338 | 21 | 28 | 63 | 105 |
2012 | 216 | 190 | 26 | 10.793 | 30.139 | 32 | 28 | 53 | 103 |
2013 | 226 | 181 | 45 | 7.558 | 31.964 | 20 | 20 | 66 | 76 |
2014 | 251 | 203 | 48 | 7.407 | 40.843 | 38 | 19 | 135 | 59 |
2015 | 201 | 158 | 43 | 6.729 | 38.156 | 32 | 08 | 72 | 42 |
TC | 3.157 | 2.740 | 417 | 86.838 | 303.055 | 291 | 225 | 576 | 1.675 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Báo cáo Phòng đọc và Sổ giao nhận tài liệu giữa phòng Đọc với độc giả của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (từ 2001 – 31/12/2015).
Nhìn chung, có thể thấy sau 11 năm thi hành Pháp lệnh lưu trữ quốc gia, và gần bốn năm thi hành Luật Lưu trữ, công tác phục vụ độc giả của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã có những tiến bộ vượt bậc. Số lượng hồ sơ đưa ra phục vụ độc giả ngày một tăng, năm 2015 so với năm 2001 tăng gấp 3 lần, số bản sao cũng tăng gấp 6,3 lần.
Đặc biệt năm 2014 tình hình biển đông căng thẳng, với nhiệm vụ bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đã cung cấp cho Ủy ban Biên giới Bộ Ngoại giao 1.050 trang tài liệu về Hoàng Sa – Trường Sa. Đây là một trong những nguồn sử liệu quan trọng, có giá trị về mặt pháp lý phục vụ cho cho việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bên cạnh công tác tổ chức sử dụng tài liệu tại Phòng đọc, trong những năm qua, Trung tâm cũng đã tăng cường hoạt động công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ trên Tạp chí Văn thư và Lưu trữ Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Tạp chí Xưa và Nay…
Một số ấn phẩm công bố giới thiệu tài liệu đã được xuất bản, ra mắt công chúng trong dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn: “Cuộc Tổng tiến công của quân giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1968 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” (2008); “Về Đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” (2010); “Phú Quốc xưa qua tài liệu lưu trữ” (2011); “Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II – 35 năm trên đường phát triển” (2011); Sưu tập sổ bộ Hán Nôm Nam kỳ (1819-1918) tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2011); “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” – tập 1: Đánh và Đàm (1968-1973) (2011); “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn – tập 2: Ký kết và thực thi (1973-1975)” (2012); “Cuộc tổng tiến công xuân hè 1972 của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” (2012); Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ – Tiềm năng di sản tư liệu” (2014); Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” (2015); Sách chỉ dẫn các phông và sưu tập lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Tái bản và bổ sung (2015); Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam qua tài liệu lưu trữ (2015).
Đi đôi với việc công bố tài liệu dưới dạng các ấn phẩm, Trung tâm còn tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ nhân kỷ niệm những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, phối hợp với các đơn vị tổ chức các phòng trưng bày tài liệu lưu trữ góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, như: Hợp tác với Bảo tàng Cách mạng Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I mở cửa phòng trưng bày: “Nam Bộ kháng chiến”; “25 năm Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Tháng 4/2006, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm chủ trì mở cửa phòng trưng bày tài liệu Mộc bản tại Kho 2 Đà Lạt. Từ năm 2007 thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phát huy giá trị tài liệu, công tác công bố, giới thiệu tài liệu ngày một đi vào lề nếp, cụ thể Trung tâm đã phối hợp cùng Hội trường Thống Nhất Tp.HCM tổ chức mở cửa các phòng trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề: “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập” (2007); “Cuộc Tổng tiến công và nội dậy Tết Mậu Thân năm 1968 và mũi đánh chiếm dinh Độc Lập” (Năm 2008); “Đường Hồ Chí Minh qua tài liệu lưu trữ” (2009); “Từ Hiệp định Paris đến mùa xuân đại thắng” (2010); Phối hợp Trung tâm Lưu trữ QG III tại Hà Nội triển lãm: Hội nghị Paris – Tài liệu lưu trữ nhìn từ hai phía (2012); Phối hợp Bảo tàng Côn Đảo tại Côn Đảo triển lãm chủ đề: Hoàng Sa – Trường Sa qua thư tịch cổ” (2012); Phối hợp với Bảo tàng Bình Phước triển lãm tại Bình Phước: Huyền thoại các tướng lĩnh QĐNDVN (2014); Triển lãm tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II: 30 năm kháng chiếu cứu nước (1945-1975) – qua sưu tập tài liệu ảnh về tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam (2014); Phối hợp với Chi đoàn Bộ môn Lưu trữ học & QTVP tại Trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM tổ chức chuyên đề: Chặng đường đi tới ngày giải phóng – 30/4/1975 (2015); Phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Hồ Chí Minh triển lãm: Kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” (2015); Phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I triển lãm tại Trung tâm II chủ đề: Kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chủ đề “Tuyên truyền cách mạng trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ” (2015); Phối hợp với Chi cục Văn thư và Lưu trữ tỉnh Bình Phước triển lãm chuyên đề: Lịch sử Bình phước qua tài liệu lưu trữ (2016).
Các cuộc trưng bày, triển lãm đã nhận được sự đánh giá cao của các nhà khoa học, giới nghiên cứu lịch sử, cùng sự ghi nhận của các tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ nguyên là bộ đội Trường Sơn và thu hút được sự quan tâm của hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước.
Ngoài ra Trung tâm cũng đẩy mạnh việc xây dựng phim và phóng sự giới thiệu về Trung tâm II và giới thiệu về tài liệu lưu trữ như: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II -35 năm gìn giữ và phát huy một nguồn di sản (2011); Tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ – tiềm năng di sản tư liệu (2014); Phóng sự: Một ngày tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2015); Hồ sơ bí mật cái chết của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo (2015).
Đồng thời với hoạt động giới thiệu, phát huy giá trị tài liệu, việc tham gia các hội thảo khoa học cũng được đẩy mạnh như:
– Hội thảo tập huấn quốc tế: “Bảo quản và phát huy giá trị các di sản tư liệu” (2010) tại Hà Nội;
– Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội;
– Từ xứ Mô Xoài xưa đến Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay;
– Côn Đảo 150 năm đấu tranh xây dựng và phát triển (1862-2012);
– Công nhân cao su Bình Dương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1975-2012);
– Tổ chức Hội thảo, xây dựng hồ sơ đề cử di sản tư liệu thế giới phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (2014);
– Tham gia tổ chức Hội nghị tập huấn Quốc tế về kinh nghiệm đề cử hồ sơ vào danh mục di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới của UNESCO tại Sài Gòn (2015).
Việc đa dạng hóa các hình thức tổ chức sử dụng tài liệu tại Trung tâm đã góp phần tích cực trong việc phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, nhìn nhận lại hoạt động tổ chức sử dụng tài liệu tại Trung tâm II thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định: Việc giới thiệu, quảng bá tài liệu đã được tiến hành nhưng chưa tuyên truyền rộng rãi; một số phông tài liệu có cơ sở thông tin cấp 1(bản số hóa) chưa được triển khai, phục vụ tại Phòng đọc như: Sổ bộ – Hán nôm, tài liệu ghi âm, tài liệu đĩa hát, Hội đồng Quân nhân Cách mạng, Uỷ ban Lãnh đạo Quốc gia…
- Một số giải pháp tăng cường hiệu quả công tác khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ.
Tài liệu lưu trữ là di sản văn hóa của dân tộc, có giá trị đặc biệt đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia không những lớn về khối lượng, đa dạng về thể loại mà còn hết sức phong phú về nội dung, phản ánh đời sống xã hội Việt Nam trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, phong tục tập quán và đời sống nhân dân qua nhiều thế kỷ. Chính vì vậy tài liệu lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia không chỉ là nguồn sử liệu quan trọng phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử mà còn có giá trị đặc biệt đối với hoạt động thực tiễn, phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như phục vụ lợi ích của quần chúng nhân dân.
Vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cần mở rộng các hình thức khai thác, sử dụng tài liệu theo hướng:
+ Sớm đưa ra chỉnh lý hoàn thiện các phông tài liệu lưu trữ còn tồn đọng.
+ Xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ tra tìm tài liệu truyền thống và đẩy mạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý và khai thác sử dụng tài liệu, nhất là khai thác các phông tài liệu đã được số hoá.
+ Mở rộng diện tích và tăng cường thiết bị Phòng đọc tạo điều kiện thuận lợi thu hút độc giả trong và ngoài nước khai thác, sử dụng tài liệu vào các mục đích chính đáng.
+ Chủ động hơn nữa việc công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ dưới nhiều hình thức (thông báo, xuất bản sách, viết bài giới thiệu, trưng bày triển lãm, xây dựng các bộ phim giới thiệu về ngành lưu trữ …) đến công chúng, nhằm phát huy giá trị tài liệu.
ThS. Phạm Ngọc Hưng
[1] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11-11-2011.
[2] Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (2006), Báo cáo quản lý và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II (1976 – 2006)
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch