Ngày 20-5-2016, tại số 17a, Lê Duẩn, Quận I, Tp. HCM, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng công tác tổ chức khai thác sử dụng và tăng cường phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II phối hợp cùng Bộ môn Lưu trữ học – Quản trị văn phòng, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Tp. HCM), tổ chức Tọa đàm khoa học: “Tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II – thực trạng và giải pháp”.
Tọa đàm nhận được sự quan tâm của hơn 100 đại biểu, bao gồm: các học giả, giảng viên, sinh viên đến từ các trường: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội và Tp. HCM), Đại học Sài Gòn, Đại học Đồng Nai, Đại học Nội vụ,…. Trong đó có nhiều nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực Lưu trữ học và Lịch sử học, như: PGS. TS. Hà Minh Hồng – nguyên Trưởng khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM, TS. Nghiêm Kỳ Hồng – nguyên Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; TS. Đào Đức Thuận – Trưởng khoa Lưu trữ học và Quản trị Văn phòng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, TS. Nguyễn Ngọc Thơ – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp. HCM…; cùng lãnh đạo, cán bộ, viên chức Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Chi cục Văn thư – Lưu trữ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương,….
Đặc biệt, Tọa đàm vinh dự được đón tiếp đồng chí Đỗ Văn Thuận – Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước. Phát biểu chỉ đạo Tọa đàm, đồng chí khẳng định: “tổ chức khai thác sử dụng có hiệu quả tài liệu lưu trữ không phải là vấn đề riêng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II mà của toàn ngành lưu trữ”. Do đó, Tọa đàm “với sự tham dự của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý, cán bộ, viên chức làm công tác lưu trữ, sẽ là diễn đàn để chúng ta nhìn thẳng vào vấn đề, đánh giá một cách khách quan, khoa học, từ đó tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng công tác tổ chức khai thác sử dụng tài liệu tại Trung tâm II, cũng như cho toàn ngành lưu trữ nói chung”.
Tại Tọa đàm, qua nghiên cứu 27 tham luận khoa học, trên tinh thần nghiêm túc, khách quan khoa học, các học giả, đại biểu tham dự đã thẳng thắn trao đổi đặt ra và giải quyết được nhiều vấn đề mang tính khoa học và thực tiễn cao. Gắn kết lý thuyết về Lưu trữ học dưới nhiều khía cạnh: từ nhu cầu khai thác, góc độ tiếp cận đến mô hình dịch vụ phục vụ khai thác, vấn đề marketting, phương pháp công bố, giới thiệu tài liệu lưu trữ,… với thực tiễn, các tham luận, ý kiến trao đổi đã đánh giá một cách khách quan thực trạng công tác tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ tại Trung tâm II; cũng như thực trạng khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ trong các công trình, đề tài khoa học, luận văn, luận án của các học giả Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, Tọa đàm đã đề ra các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ, tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, hiện đại hóa và đẩy mạnh quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của công chúng đối với tài liệu lưu trữ.
Kết quả của Tọa đàm là cơ sở khoa học để Trung tâm II nói riêng và toàn ngành lưu trữ nói chung, tiếp thu, ứng dụng vào công tác tổ chức khai thác sử dụng tài liệu, nhằm nâng cao chất lược phục vụ độc giả, cũng như đẩy mạnh phát huy giá trị tài liệu lưu trữ vào phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhu cầu của xã hội.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch