TS. Nguyễn Xuân Hoài – Hà Kim Phương
Ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, ở hầu khắp các tỉnh thành miền Nam, quần chúng nhất loạt nổi dậy. Chính quyền của địch ở một số xã ở quận và huyện hoang mang tan rã. Tuy không giành được chính quyền, song khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại tiếng vang lớn cùng nhiều bài học quý báu cho cách mạng. Cũng trong cuộc khởi nghĩa này, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện tung bay trước gió.
Về sự kiện này, hiện Trung tâm Lưu trữ quốc gia II đang quản lý một khối lượng tài liệu quý. Đó là các bản báo cáo chính trị hàng tháng của các tỉnh, Thống đốc Nam Kỳ về hoạt động của Đảng và các lãnh tụ của Đảng, hoạt động đấu tranh của nhân dân ở các tỉnh, các thông tư, thông tri, công văn của Thống đốc Nam Kỳ gửi các tỉnh, của Toàn quyền Đông Dương gửi Thống đốc Nam Kỳ về các biện pháp, âm lưu đối phó của chính quyền thực dân. Đây là những tài liệu được chính quyền Thực dân Pháp xếp vào loại mật và tối mật. Hiện nay, những tài liệu này đang được bảo quản tại Phông tài liệu Phủ Thống đốc Nam Kỳ.
- Sơ lược lịch sử hình thành phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ
Từ thế kỷ XVI, sau thành công của nhiều cuộc phát kiến địa lý, sự phát triển trên phạm vi toàn thế giới của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã thúc đẩy học đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm thuộc địa ở phương Đông. Là một quốc gia có vị trí địa chiến lược, nằm ở rìa đông bán đảo Đông Dương, ngã tư đường giao thoa các nền văn hóa lớn, một nhịp cầu nối chính yếu giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo… Việt Nam sớm nằm trong mục tiêu của các nước thực dân phương Tây.
Thực hiện thôn tính thuộc địa, từ cuối thế kỷ XVI, các quốc gia phương Tây, đặc biệt là thực dân Pháp từng bước thiết lập sự hiện diện ở Việt Nam thông qua truyền giáo và thương mại. Song, sau hơn 2 thế kỷ, thực hiện thôn tính Việt Nam bằng con đường “hòa bình” không mang lại kết quả, thực dân Pháp quyết định tiến hành xâm chiếm thuộc địa bằng con đường quân sự. Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào bán đảo Sơn Trà, đánh chiếm Đà Nẵng, mưu đồ thực hiện cuộc chiến tranh “chớp nhoáng”. Tuy nhiên, sau 5 tháng, trước sự kháng cự quật khởi của quân dân Việt Nam, quân Pháp bị cô lập, sa lầy tại chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng. Trước thảm trạng đó, De Genouily đề nghị chuyển hướng đánh chiếm Gia Định – Nam kỳ với lý lẽ:
“Saigon est un fleuve accessible à nos corvettes de guerre et à nos transports. Les troupes, en débarquant, seraient sur le point d’attaque; elles n’auraient donc ni marches à fournir ni vivres à porter. Cette opération est tout à fait dans la mesure de leur force physique.…
Mais, quoi qu’il en soit, Saigon est l’entrepôt des riz qui nourrissent en partie Hue et l’armée annamite et qui doivent remonter vers le Nord; au mois de mars nous arrêterons ces riz”[1].
Ngày 2-2-1859, Rigault De Genouilly đưa hai phần ba quân số và 8 trong 14 chiến thuyền tại mặt trận Đà Nẵng, tiến vào Nam. Ngày 9 tháng 2 năm 1859, liên quân Pháp – Tây Ban Nha vào đến cửa Cần Giờ và lần lượt tấn công các đồn dọc sông Sài Gòn. Rạng sáng ngày 17-2, tấn công và chiếm thành Gia Định trong chưa đến một ngày. Dù chiếm được thành và thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, nhưng không đủ quân đế giữ và đánh mở rộng các vùng kế cận, De Genouilly phải cho phá thành, rút về đóng ở đồn Vàm Cỏ. Ở đây, quân Pháp tiếp tục phải đương đầu với phong trào kháng Pháp mạnh mẽ của quân dân Nam kỳ. Đến đầu năm 1861, phong trào kháng Pháp của nhân dân Nam kỳ đã buộc thực dân Pháp phải rút khỏi một loạt cứ điểm trọng yếu ở Gò Công, Chợ Gạo, Cái Bè, … Nghĩa quân cũng đã giành lại được nhiều vùng đất đai rộng lớn xung quanh Sài Gòn, đặt quân Pháp trong tình trạng “tiến thoái, lưỡng nan”. Nhằm cải thiện tình hình, Hoàng đế Pháp quyết định cử Chuẩn Đô đốc Bonard sang thay Phó Đô đốc Charner chỉ huy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Trong khi quân Pháp vẫn đang trong thế bị bao vây, cô lập, với chủ trương cố thủ để hòa, triều đình nhà Nguyễn “bất ngờ” gửi thông điệp nghị hòa. Và ngày 5-6-1862, “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị” – Hòa ước Nhâm Tuất mà nội dung quan trọng nhất là nhượng chủ quyền trọn ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, cũng như đảo Côn Lôn, cho hoàng đế nước Pháp được ký kết. Hợp pháp hóa được việc chiếm đóng, người Pháp nhanh chóng bắt tay vào thiết lập bộ máy cai trị thực dân tại các tỉnh miền Đông Nam kỳ. Ngày 25-6-1862, Hoàng đế Pháp thăng hàm Phó Đô đốc và bổ nhiệm Bonard làm Thống đốc đầu tiên tại Nam kỳ. Tiếp đó, ngày 10-1-1963, chính phủ Pháp ban hành sắc lệnh tổ chức hành chính và tài chính ở Nam kỳ. Theo đó, đại diện cho chính phủ Pháp cai trị vùng đất Nam kỳ là một thống đốc. Về mặt dân sự, Thống đốc có quyền cử nhân viên và công chức; ban hành nghị định và quyết định, thi hành quyền tối cao về hành pháp và tư pháp đối với dân bản xứ, ấn định các sắc thuế địa phương và qui định các tiêu chuẩn thuế khóa cùng nguyên tắc trong việc thâu thuế công cộng. Về mặt quân sự, Thống đốc Nam kỳ là tổng chỉ huy sư đoàn hải quân ở Nam kỳ.
Tiếp đó, Thống đốc Nam kỳ ban hành Nghị định thiết lập Nha Nội chính đặt dưới sự điều hành của một Giám đốc, có trách nhiệm giúp thống đốc cai trị thuộc địa về mặt nội trị tổng quát.
Đến năm 1887, sau khi hoàn thành bình định ba nước Đông Dương, Tổng thống Pháp ban hành sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương, Nam kỳ trở thành thuộc địa trực trị. Ngày 29-10-1887, Tổng thống Pháp ban hành Sắc lệnh ấn định lại quyền hạn của Thống đốc Nam kỳ[2]. Theo chế độ mới, mọi quyền lực cai trị ở thuộc địa Nam kỳ tập trung trong tay Thống đốc thông qua bộ máy của Phủ Thống đốc Nam kỳ (mà cơ sở tiền thân là Nha Nội chính).
Trong quá trình hoạt động (bao gồm cả cơ quan tiền thân trước đó), Phủ Thống đốc Nam Kỳ đã sản sinh ra 2.432 mét giá, với hàng chục vạn hồ sơ phản ánh tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, xã hội vùng Nam Bộ từ năm 1859-1945. Trong đó chủ yếu là tài liệu hành chính, gồm các loại:
– Văn bản pháp quy:
+ Các tập lưu Nghị định, Quyết định, Thông tư của Thống đốc Nam Kỳ.
+ Các tập lưu Thông tư của Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam Kỳ.
+ Các tập lưu Thông tư mật của Thống đốc Nam Kỳ.
– Công văn trao đổi:
+ Các tập lưu công văn của Thống đốc Nam Kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương.
+ Các tập lưu công văn đi của Văn phòng Thống đốc Nam Kỳ và của các Phòng Nhất, Phòng Nhì đến Phòng Sáu của Phủ Thống đốc Nam Kỳ.
+ Tập lưu công văn mật đi.
+ Các tập lưu điện tín đi.
+ Các tập lưu điện tín đến.
– Tổ chức chính quyền Trung ương:
+ Tài liệu về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Liên bang Đông Dương, Hội đồng Tư mật Nam Kỳ, Hồi đồng Thuộc địa Nam Kỳ.
+ Tài liệu về tổ chức, quân số vệ binh.
+ Danh sách nhân viên các đội vệ binh phục vụ ở các tỉnh Nam Kỳ.
+ Tài liệu về tổ chức, quân số vệ binh.
+ Danh sách nhân viên các đội vệ binh phục vụ ở các tỉnh Nam Kỳ.
+ Báo cáo thanh tra các đội vệ binh.
– Chính trị:
+ Báo cáo chính trị (tháng, quý, năm) của các tỉnh ở Nam Kỳ và thành phố Sài Gòn.
+ Báo cáo (tháng) của các Nha, Sở gửi Thống đốc Nam Kỳ.
+ Báo cáo (tháng) của các tỉnh gửi Nha Nội chính.
+ Thống kê các vụ trộm cắp, cướp bóc ở các tỉnh Nam Kỳ.
+ Báo cáo vệ các vụ tai nạn, trộm cắp, cướp của ở các tỉnh Nam Kỳ.
+ Tài liệu về cuộc đình công của công nhân Hãng Xe điện, biểu tình tổ chức ở Chợ Mới (Long Xuyên) nhân dịp ngày 14/7/1938, ở các tỉnh Nam Kỳ và trong các trường học.
+ Báo cáo của các tỉnh về các cuộc biểu tình của cộng sản nhân ngày 01/5/1930.
+ Biểu tình của cộng sản ngày 26/10/1930 ở Sài Gòn.
+ Biểu tình ở nhà lao Vĩnh Long.
+ Tài liệu về hoạt động của Đông Dương Cộng sản Đảng.
+ Tổ chức ngày kỷ niệm Xô Viết Nghệ Tĩnh.
+ Tổ chức kỷ niệm ngày chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười Nga 07/11/1940.
+ Tài liệu về vụ bắt Hà Huy Tập, Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Hồ Văn Long (thầy giáo Long).
+ Tổ chức ngày giỗ Phan Châu Trinh.
+ Tài liệu về hoạt động của cộng sản ở Bà Rịa, Châu Đốc, Long Xuyên, Mỹ Tho, Trà Vinh, Tân An, Vĩnh Long, Vũng Tàu, Sa Đéc. Tìm thấy truyền đơn ở Tân Phú, Chợ Mới (Long Xuyên), Tân Phú Trung (Gia Định), Bạc Liêu, Bến Tre.
+ Tài liệu về kỷ niệm công xã Pariss ở Long Xuyên.
+ Tài liệu về cuộc biểu tình của lính Campuchia ở Vĩnh Long năm 1939.
+ Báo cáo về tình hình an ninh công cộng ở các tỉnh Nam Kỳ.
– Tư pháp:
+ Phúc trình hàng tháng về hoạt động của các đề lao.
+ Thanh tra các đề lao.
+ Báp cáo (lục cá nguyệt) về tình trạng chính trị phạm.
+ Thống kê tù nhận.
+ Danh sách tù nhân chết, trốn và mãn tù ở Côn Đảo do Tòa án Nam Vang xử.
– Tài liệu về hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đường sắt, đường bộ và đường thủy;
– Tài liệu về kinh tế – văn hóa – xã hội, quan hệ bang giao giữa Pháp với các xứ thuộc địa và giữa các xứ thuộc địa với nhau;
…..
- Tóm lược nội dung tài liệu liên quan đến Khởi nghĩa Nam Kỳ
Về Khởi nghĩa Nam Kỳ, tài liệu bảo quản tại Phông Thống đốc Nam Kỳ gồm những nội dung chính sau:
– Báo cáo chính trị hàng tháng của Thống đốc Nam Kỳ. Nội dung báo cáo các hoạt động của Đảng Cộng sản ở các địa phương, như biểu tình, mít tinh, rải truyền đơn… Bao gồm các phần:
+ Phần một có nội dung: Rải truyền đoen và treo băng rôn nêu mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động và nội dung của các truyền đơn, băng rôn; nơi diễn ra sự kiện,…
+ Phần hai: hoạt động của báo chí cách mạng bao gồm tên các tờ báo, chủ bút, nội dung bài báo,…
+ Phần ba: các chính sách đối phó của chính quyền thực dân với hai mục: kết án (báo cáo kết quả của các phiên tòa, các bản án và việc thi hành án đối với các đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước; Các hoạt động bắt bớ, khám phá các tổ chức, cơ sở của Đảng Cộng sản.
– Các công văn của Văn phòng Phủ Thống đốc Nam Kỳ về hoạt động của Đảng Cộng sản. Nội dung báo cáo chi tiết các hoạt động của các cơ sở Đảng ở Nam Kỳ theo lối biên niên sự kiện.
– Các báo cáo còn đặc biệt nhấn mạnh đến hoạt động của các lãnh tụ Đảng như: Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong,…
– Các công văn, thông điệp của các tỉnh, các phân khu, như: Thông điệp của Chính quyền Thủ Dầu Một báo cáo về tình hình rải truyền đơn ở tỉnh này; Công văn mật của cảnh sát Quận 3 liên quan đến vụ rải truyền đơn trong quận này; Công văn của Phân khu Gò Vấp báo cáo về phản ứng của Cộng Sản trong khu;…
– Các Thông tư, Thông tri của chính quyền thực dân Pháp nhằm đàn áp, khủng bố, kết án và các chính sách về chế độ tù đày đối với những cán bộ, chiến sĩ cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắt.
– Đặc biệt, còn có các tài liệu phân tích, đánh giá nguyên nhân và diễn biến của cuộc khởi nghĩa.
+ Hoạt động của Cộng sản từ năm 1930-1935;
+ Phong trào công nhân từ năm 1936-1939;
+ Hoạt động của Cộng sản từ tháng 9-1939;
+ Sự can thiệp của Nhật Bản vào Đông Dương đã dẫn đến việc chuẩn bị phong trào khởi nghĩa.
+ Tổ chức và sức mạnh của Đảng Cộng sản Đông Dương trong cuộc khởi nghĩa.
+ Cuộc khởi nghĩa đã nổ ra vào ngày 22-11-1940. Tiếp đó là những vụ nổi dậy ở khắp Nam Kỳ đều được thống kê, mô tả khá chi tiết cho đến ngày 28/12/1940 – ngày cuộc khởi nghĩa cơ bản đã bị đàn áp, đi đến chấm dứt.
Tài liệu về khởi nghĩa Nam kỳ thuộc phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là bản gốc các tài liệu được sản sinh trong quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam kỳ, ngay trong thời điểm diễn ra sự kiện nên rất có giá trị đối với công tác nghiên cứu, tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.
Tuy nhiên, tài liệu về khởi nghĩa Nam kỳ là một bộ phận rất nhỏ trong khối tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ – một phông tài liệu lớn trong phông lưu trữ quốc gia Việt Nam. Mà giá trị của nó thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực khác nhau, tùy theo lĩnh vực nghiên cứu. Khối tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam kỳ phản ánh đầy đủ quá trình tiếp xúc, giao giữa hai nền văn hóa và văn minh Đông – Tây; quá trình tiếp biến văn hóa, biến đổi về đời sống kinh tế, văn hóa tư tưởng và cấu trúc xã hội ở phương Đông mà cụ thể là tại 3 nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) trước sự du nhập mạnh mẽ của phương Tây; sự hình thành, vận hành của tuyến hàng hải quốc tế nối liền Đông – Tây qua biển Đông. Đặc biệt, đối với Việt Nam, khối tài liệu Thống đốc Nam kỳ phản ánh lịch sử hình thành và phát triển cũng như đời sống kinh tế – văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân cư vùng đất Nam bộ. Vì thế, có thể khẳng định phông Phủ Thống đốc Nam kỳ là nguồn sử liệu quan trọng, rất có giá trị về tiến trình lịch sử Nam kỳ và khu vực, cũng như quá trình tiếp xúc văn hóa Đông – Tây tại Việt Nam và Đông Nam á trong thế kỷ XIX-XX.
[1] Lược dịch: “Sài Gòn nằm trên một con sông mà chiến hạm của ta có thể vào gần một cách dễ dàng. Quân lính cũng có thể lên bộ đánh thành ngay, không phải mệt nhọc mang vác vũ khí và lương thực trên đoạn đường dài…. Sài Gòn là một vựa lúa, cung cấp một phần lớn lương thực cho dân chúng và binh lính ở kinh thành Huế. Thường thì khoảng vào tháng 3, thuyền chở thóc gạo sẽ chở lên phía Bắc, vì vậy chúng tôi sẽ chận số thóc gạo đó lại”. (Thư Charles Rigault de Genouilly gửi Bộ trưởng Hải quân Ferdinand Hamelin ngày 29 tháng 1 năm 1859).
[2] Công báo Nam kỳ thuộc Pháp năm 1887, tr.1185-1186.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch