Lê Vị
Cách thành phố Hồ Chí Minh 180 km, núi Bà Rá (thuộc huyện Phước Long) là một thắng cảnh của tỉnh Bình Phước. Giữa một vùng đồi thấp nhô lên một ngọn núi cao, cây cối xanh tươi, rậm rạp, tạo cho núi Bà Rá một vẻ hùng vĩ.
Núi Bà Rá là một địa danh gắn liền với cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Phước Long. Nơi đây đã xây dựng một nhà bia rất sang trọng để tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh trong khu vực Bà Rá.
Dưới chân núi Bà Rá, năm 1925, thực dân Pháp cho xây một nhà tù lớn dưới danh nghĩa là một trại lao động đặc biệt để giam cầm các chiến sĩ cộng sản Việt Nam và các tội phạm.
Trại Lao động Bà Rá gồm có 3 khu: trại A sát chân núi giam giữ tù thường phạm, trại B giam giữ nữ tù nhân thường phạm hoặc chính trị phạm đặt tại trung tâm trại Bà Rá. Năm 1941, thực dân Pháp xây dựng thêm trại C để giam giữ số tù nhân chính trị bị treo án và khổ sai từ các nhà tù khác chuyển về, phần lớn là những người yêu nước tham gia hoạt động cách mạng.
Do địa hình phức tạp với nhiều đồi, núi nên việc hộ tống tù nhân từ các nơi lên trại tù Bà Rá chỉ được thực hiện bằng đường sắt. Lộ trình đi qua các tuyến đường như sau:
“Tù nhân và đoàn hộ tống có thể dừng chân ở Hớn Quản hoặc Thủ Dầu Một
Xe chở tù nhân đi từ Núi Bà Rá đến Hớn Quản có thể sử dụng 2 lộ trình sau:
Lộ trình hướng Bắc qua Bù Đốp – Lộc Ninh
Khoảng cách từ Núi Bà Rá đến Hớn Quản: 86km
Khoảng cách Núi Bà Rá – Hớn Quản – Núi Bà Rá: 172km
Lộc trình hướng Nam qua Đồng Xoài và Chơn Thành
Khoảng cách từ Núi Bà Rá đến Hớn Quản: 105km
Khoảng cách Núi Bà Rá – Hớn Quản – Núi Bà Rá: 210km
Đối với mỗi đoàn tù nhân, xe từ Núi Bà Rá sẽ phải chạy hết quãng đường dài 172km hoặc 210km.
Mặt khác nếu tù nhân dừng lại ở Thủ Dầu Một, thì xe chở tù nhân sẽ chạy quãng đường dài như sau:
Núi Bà Rá – Đồng Xoài – Phước Hòa – Thủ Dầu Một: 117km
Hoặc Núi Bà Rá – Thủ Dầu Một – Núi Bà Rá: 234km.
Xe chở tù nhân sẽ phải chạy quãng đường dài nếu tù nhân dừng chân ở Thủ Dầu Một thay vì ở Hớn Quản, cụ thể là:234km – 172km = 62km.
Tuy nhiên, nếu tù nhân dừng chân ở Thủ Dầu Một, thì việc di chuyển tù nhân sẽ nhanh hơn nhiều bởi vì tù nhân khởi hành từ Sài Gòn lúc 8h30, và đến Thủ Dầu Một lúc 10h51. Xe chở tù sẽ từ Núi Bà Rá lên Thủ Dầu Một từ hôm trước và có thể đón tù nhân về Núi Bà Rá ngay.
Khi xe chở tù đến Thủ Dầu Một, chỉ cần thông báo bằng một cuộc điện thoại giữa Thủ Dầu Một – Sài Gòn, thì chắc chắn ngày hôm sau việc di chuyển tù nhân sẽ thực hiện. Tất cả công việc này tùy thuộc vào hoạt động của xe chở tù.
Việc di chuyển tù nhân lên Núi Bà Rá sẽ phải được tổ chức như sau:
Từ Sài Gòn đến Thủ Dầu Một: di chuyển bằng tàu điện.
Từ Thủ Dầu Một đến Núi Bà Rá: di chuyển bằng xe cam nhông.
“Tôi sẽ chịu trách nhiệm xin phép Chủ tỉnh Biên Hòa trước 8 ngày cho xe xuống Thủ Dầu Một, và trong thời gian đó xin cho tôi biết ý kiến có đáp ứng được yêu cầu của tôi hay không. Sài Gòn sẽ chịu trách nhiệm điều tàu điện để chở đoàn tù nhân lên Núi Bà Rá”[i].
Về thời gian:“Tàu điện từ Sài Gòn đến Thủ Dầu Một.
Khởi hành từ Sài Gòn: 8h30
Đến Thủ Dầu Một:10h51
Đường sắt từ Thủ Dầu Một đến Lộc Ninh
Khởi hành từ Thủ Dầu Một: 12h24
Đến Lộc Ninh: 17h23
Đoàn hộ tống sẽ quay lại Sài Gòn ngay ngày hôm sau, theo giờ sau:
Đường sắt Lộc Ninh – Thủ Dầu Một: 5h30 – 10h14
Tàu điện Thủ Dầu Một – Sài Gòn: 12h27 – 14h40
Tàu chạy tuyến Thủ Dầu Một – Lộc Ninh và ngược lại chỉ có 1 chuyến/ 1 ngày theo giờ nói trên”[ii].
“Việc di chuyển tù nhân được sở Hiến binh Sài Gòn báo trước 5 ngày, bằng thư hoặc điện thoại, cho Chủ tỉnh Biên Hòa biết thời gian chính xác và số lượng người được chuyển từ Sài Gòn lên Lộc Ninh.
Chủ tỉnh Biên Hòa sẽ lệnh cho xe cam nhông của Trại Lao động đặc biệt Bà Rá đến Lộc Ninh lúc 17h để đưa tù nhân từ Lộc Ninh lên Núi Bà Rá.
Đội hộ tống tù nhân sẽ bao gồm những vệ binh đang làm việc tại Núi Bà Rá. Nếu xảy ra sự cố, đội hộ tống này sẽ đưa tù nhân về lại Sài Gòn. Đốc phủ Núi Bà Rá sẽ lệnh cho đội trưởng đội hộ tống di chuyển bằng 2 ngã đường (đường sắt và đường tàu điện).
Việc trao đổi tù nhân giữa đội hộ tống Sài Gòn và đội hộ tống Núi Bà Rá sẽ diễn ra ngay khi đến Lộc Ninh.
Trước khi khởi hành, sở Hiến binh Sài Gòn sẽ lệnh cho đội hộ tống Sài Gòn chọn phương tiện vận chuyển cần thiết để quay về.
Sau cùng, vấn đề còn lại là chỗ ở cho đội hộ tống và tù nhân ở Lộc Ninh, bởi vì họ sẽ trải qua ít nhất 1 đêm ở Lộc Ninh. Trong trường hợp xe hư, đội hộ tống và tù nhân chắc chắn sẽ còn ở lại Lộc Ninh lâu hơn.
Vì vậy, cần phải đảm bảo đủ thức ăn cho tù nhân ở Lộc Ninh.
Hai vấn đề chỗ ở và lương thực sẽ do chủ tỉnh Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm”[iii].
Để có thể duy trì sự tồn tại của trại lao động Bà Rá, Nghị định số 3253-CP ngày 01-07-1941 của Thống đốc Nam kỳ gởi các tỉnh, yêu cầu các tỉnh phải nộp tiền để nuôi tù nhân trong trại: “Giá tối thiểu mà vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh phải nộp vào ngân sách để nuôi tù nhân ở trại Tà Lài và Bà Rá trong năm 1941 là 0.52 quan/ngày”[iv].
Theo đó, trong năm 1941, tổng số tiền mà các tỉnh phải nộp để nuôi tù nhân trong trại lao động đặc biệt Núi Bà Rá và Tà Lài trong 6 tháng cuối năm 1941 lên đến 78.188$2
Bảng kê tổng số tiền mà các tỉnh phải nộp để nuôi tù nhân trong trại lao động đặc biệt Núi Bà Rá và Tà Lài trong 6 tháng cuối năm 1941[v]
Stt | Ngân sách tỉnh | Tổng số tiền |
1 | Sài Gòn – Chợ Lớn | 9.540$96 |
2 | Bạc Liêu | 3.056,56 |
3 | Baria | 1.085,76 |
4 | Bến Tre | 10.143,12 |
5 | Biên Hòa | 1.445,08 |
6 | Cần Thơ | 3.146,52 |
7 | Vũng Tàu | 132,60 |
8 | Châu Đốc | 2.802,80 |
9 | Chợ Lớn | 2.671,76 |
10 | Gia Định | 5.870,80 |
11 | Gò Công | 685,36 |
12 | Hà Tiên | 136,24 |
13 | Long Xuyên | 4.126,20 |
14 | Mỹ Tho | 15.446,08 |
15 | Rạch Giá | 829,92 |
16 | Sa Đéc | 3.607,76 |
17 | Sóc Trăng | 967,72 |
18 | Tân An | 3.214,12 |
19 | Tây Ninh | 247,00 |
20 | Thủ Dầu Một | 278,72 |
21 | Trà Vinh | 5.094,96 |
22 | Vĩnh Long | 3.658,20 |
Số tiền các tỉnh đóng góp về trại Lao động Bà Rá đa phần bị quan chức và cai ngục ở đây chia chác, số tiền để mua lương thực, thực phẩm cho tù nhân còn rất ít ỏi. Với số lượng tù nhân ngày càng đông, chính quyền thực dân tìm mọi cách tận dụng sức lao động của tù nhân. Báo cáo ngày 16-08-1941 của thanh tra Vụ Chính trị Hành chính và lao động gửi Thống đốc Nam Kỳ đã cho thấy sơ lược tình hình giam giữ và các hình thức kiểm soát tù nhân tại trại Lao động Bà Rá:
“Trại A: Nằm cách phía Bắc quận 1 km, đối diện với đồn điền cao su của tỉnh. Hiện có 495 tù nhân (loại tù hình sự) đang bị giam trong trại dưới sự quản lý của 2 hiến binh người Âu và 50 dân quân.
Những dãy nhà giam được bao bọc xung quanh bằng dây kẽm gai. Phía bên ngoài khu trại là một khu vườn rộng để tù nhân trồng bắp, khoai mì, giá. Đi sâu vào phía bên trong, có 1 phòng tắm, 1 bể nước và 1 giếng đào để lấy nước uống. Những chỗ đất trũng là nơi được sử dụng để trồng rau.
Tù nhân được sử dụng làm nhân công làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp trong quận. Tôi nhận thấy không có gì bất thường về mặt tinh thần của tù nhân. Thức ăn ở đây phong phú và dồi dào.
Tôi cũng lưu ý rằng cần phải có một kho chứa lương thực phòng trường hợp đói kém, mất mùa xảy ra. Kho này có thể gồm vài con heo sống hay hai ba trăm hộp thịt hộp.
Trại B: Nằm bên cạnh quận, bao gồm 46 tù nhân nữ. Những người phụ nữ này làm công việc bếp núc và may vá. Một xưởng may cũng đã được hình thành trong quận. Hiện đang có 12 phụ nữ làm việc tại xưởng này. Họ may trang phục cho dân quân và các tù nhân.
Tình hình sức khỏe của tù nhân trong trại không được tốt lắm. Bệnh sốt rét hoành hành rất nghiêm trọng. Có khoảng 1/6 tổng số tù nhân đang bị bệnh sốt rét.
Trại C: Nằm cách quận 3 km, nằm ven Quốc lộ, từ Núi Bà Rá đến các thác ở Sông Bé.
Trại này dành để giam giữ tù chính trị. Hiện có 340 tù nhân với sự giám sát của 2 hiến binh người Âu và một phân đội dân quân. Có một khu vườn khá đẹp được các tù nhân dùng để trồng bắp, khoai mì và giá. Nước được lấy từ suối (thường cạn vào mùa khô) và từ giếng đào.
Trong trại có đủ chỗ ở cho tù nhân. Thức ăn được chuẩn bị tốt và phong phú. Tinh thần của tù nhân tương đối tốt. Về tình hình sức khỏe, thì trại C cũng giống như các trại khác, đây là vấn đề cần phải được quan tâm. Đặc biệt, trong thời gian này có 13 bệnh nhân lao chưa được chữa khỏi, và sẽ phải chuyển lên bệnh viện Thủ Dầu Một”[vi].
Bảng kê số lượng tù nhân bị giam giữ tại trại Lao động Bà Rá
năm 1941[vii]
Tên trại | Quý 1 | Quý 2 | Quý 3 | Quý 4 |
Trại A | 527 | 569 | 592 | 581 |
Trại B | 527 | 40 | 53 | 51 |
Trại C | 246 | 380 | 419 | 433 |
Tuy nhiên, trên thực tế,tù nhân là nguồn lao động chính của quận Bà Rá. Họ được chia thành các nhóm nhỏ để lao động và phải làm những công việc nặng nhọc: “Tỉnh trưởng sử dụng các lao động tù nhân theo từng nhóm 25 hoặc 50 người để phục vụ lao động công ích như đào đường, nạo nét kênh rạch, san lấp đường xá. Ngân sách nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chi trả phí thức ăn, quần áo và bệnh viện phí. Tỉnh chỉ lo về phần chỗ ở cho cho số lao động tù nhân này”[viii].
Ngày 28-08-1941, Thống đốc Nam Kỳ Rivoal đã có công văn về việc sử dụng lao động tù nhân tại Bà Rá: “Tôi lấy làm vinh dự báo cho ông biết rằng, tôi quyết định giữ lại tất cả các tù nhân tại trại lao động ở Bà Rá. Tù nhân trại A sẽ được sử dụng làm việc tại quận. Tù nhân trại C sẽ đi khai khẩn các khu đất ven đường từ Núi Bà Rá đến các thác ở Sông Bé và gần trại C dưới sự kiểm soát của các lính canh người Âu, người Pháp và Ấn.
Mặt khác, những tù chính trị ít nguy hiểm và có đạo đức sẽ được chuyển ra các trại lao động ở Rạch Giá và Bạc Liêu. Đây có thể được xem như là một phần thưởng cho tù nhân cải tạo tốt”[ix].
Việc xác định nơi giam giữ tù nhân nữ, đặc biệt là tù nhân nữ đang có con nhỏ là vấn đề khiến thực dân Pháp đau đầu. Sau nhiều lần tranh luận, chính quyền Pháp đã quyết định thành lập tại Bà Rá một trại tù dành cho nữ:
“Tôi lấy làm vinh dự báo cho các Ngài biết rằng, một trại giam dành cho nữ vừa được thành lập tại Trại Lao động đặc biệt Núi Bà Rá, theo tinh thần của giải pháp thứ 3 trong Sắc lệnh ngày 21/01/1940.
Ngay từ bây giờ các Ngài có thể đề nghị danh sách nữ tù cần phải giam tại đây vì những hoạt động nguy hiểm đến quốc phòng và an ninh công cộng”[x].
Đối tượng nữ tù nhân bị giam giữ tại Bà Rá theo chính quyền thực dân là “Những phụ nữ bị giam tại đây đều là các tên hoạt động nổi tiếng đã lập gia đình. Họ là những giao liên hết sức nguy hiểm trong các hoạt động bất hợp pháp của cộng sản. Vì vậy, tôi lấy làm vinh dự mong ngài chấp thuận giam nữ tù bị tòa xử là thành phần nguy hiểm cho an ninh công cộng và quốc phòng tại trại Lao động Núi Bà Rá”[xi].
Sức chứa tối đa của trại B – trại giam giữ nữ tù là 50 người, nhưng càng lúc, số lượng tù nhân càng đông, họ bị nhồi nhét trong những phòng giam bẩn thỉu, chật chội. Chính quyền thực dân đã tìm mọi biện pháp để có thể vừa khai thác triệt để tù nhân, vừa hạn chế sự phản ứng từ phía dư luận:
“Áp dụng Sắc lệnh ngày 21/01/1940 v/v chính phủ sẽ can thiệp giúp đỡ các trẻ em mà người mẹ không có khả năng chăm sóc.
Các ông có thể thi hành dựa trên các chỉ thị sau:
1.Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Chúng có thể được theo mẹ vào trong trại lao động Núi Bà Rá.Tuy nhiên, chúng phải tự trang bị quần áo cho mình
2.Đối với trẻ em trên 5 tuổi: Người mẹ phải giao con mình cho người khác chăm sóc. Khi giao trẻ cho người này sẽ phải có sự chứng kiến của Nhà cầm quyền trong tỉnh (Sở cảnh sách nếu là Vùng Sài Gòn – Chợ Lớn) và sẽ có biên bản giao nhận.
Trong trường hợp không tìm được người chăm sóc, người mẹ buộc phải giao con mình cho Hội cứu tế xã hội.
Giải pháp này cũng sẽ áp dụng đối với trẻ dưới 5 tuổi vì lý do sức khỏe không thể theo mẹ lên Núi Bà Rá và người mẹ không thể tìm được người giữ con mình”[xii].
Nỗi thống khổ của những tù nhân Bà Rá không sao kể xiết. Đau ốm, bệnh tật không có thuốc thang, thức ăn khan hiếm, tù nhân lại thường xuyên bị tra tấn, đánh đập dã man, tù nhân ở đây đã nhóm lên ngọn lửa đấu tranh. Lo lắng trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của tù nhân, Chủ tỉnh Biên Hòa đã gửi đề nghị lên Thống đôc Nam Kỳ chuyển tù chính trị ra đảo Phú Quốc:
“Có thể nói, vấn đề bảo vệ trong các trại giam ở Núi Bà Rá đang trong tình trạng bất ổn: mạng lưới dây kẽm gai không đủ, dân quân bảo vệ thiếu ý thức chuyên nghiệp và sơ suất. Mặt khác, cũng cần có một lực lượng nhân công làm việc ở bên ngoài. Chỉ để tù nhân làm việc ở trong trại cũng rất lãng phí và nguy hiểm. Tuy nhiên, để chúng ra ngoài làm việc sẽ dễ dàng cho chúng vượt ngục. Do đó, cần phải tách chúng ra thành từng nhóm nhỏ, để giảm nguy cơ chúng liên kết, thông đồng với nhau.
Những lý do mà ông Larivière đưa ra để chuyển tù chính trị ra đảo Phú Quốc rất nghiêm túc và cần phải lưu ý. Tuy nhiên, theo ý tôi, thì tạm thời vẫn duy trì hiện trạng này. Trong thư số 4579 ngày 14/8 vừa qua, tôi đã đề nghị Ngài thử dùng người Pháp, người Âu, người Ấn đang thất nghiệp làm lính canh các khu đất khai khẩn nằm ven quốc lộ từ Núi Bà Rá đến các thác ở Sông Bé và cạnh trại C.
Tôi nhận thấy rằng, nhân công mà các lính canh đồn điền cần là những tù nhân thuộc trại C. Tù nhân trại A thường được sử dụng vào những công việc khác trong quận. Nếu Ngài quan tâm đến những đề nghị của tôi, thì thời gian đầu rất cần thiết phải duy trì một lượng nhân công là những tù nhân thuộc trại C làm việc bên cạnh các lính canh đồn điền.
Về mặt tâm trạng của các tù nhân, thì lẽ đương nhiên là vấn đề chúng ta phải canh chừng và giám sát. Công việc giám sát này không chỉ của riêng các hiến binh và dân quân, mà còn là trách nhiệm của các lính canh đồn điền. Mặt khác, lao động chính là người thầy dạy đạo đức: Khi tù nhân thấy được những thành quả lao động của những người xung quanh họ, họ sẽ bắt chước. Và đối với họ, có thể sẽ có một “sự trở lại” làm thay đổi hoàn toàn con người họ.
Những vấn đề mà tôi trình bày với Ngài ở trên có thể hơi lạc quan. Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng, tù chính trị ngày càng tiến bộ hơn, thông minh hơn. Và chúng ta khó có thể làm cho họ tin tưởng”[xiii].
Chính quyền thực dân tìm mọi cách phân tán tù nhân đến những nơi giam giữ khác như Phú Quốc, Côn Đảo, hi vọng có thể giải quyết được phần nào sự đấu tranh mạnh mẽ của tù chính trị:
“Vào ngày 11 vừa qua, tôi và chủ tỉnh Biên Hòa có một buổi nói chuyện với nhau. Chủ tỉnh Biên Hòa đã nói với tôi rằng, trong thư số 522-C ngày 01/9/1944 vừa qua, không phải ông ta yêu cầu bỏ hoàn toàn và bỏ lập tức trại Lao động đặc biệt Núi Bà Rá, đồng thời chuyển các tù nhân ở đây đi nơi khác. Không phải ông ta không biết rằng có rất nhiều điều bất cập nếu thực hiện như vậy. Tuy nhiên, ông ta muốn ông tán thành giảm số lượng các trại theo những đề nghị sau:
Cho các tù nhân làm công việc như lính canh đồn điền hay canh rẫy ở lại Núi Bà Rá.
Trả tự do hoặc trả về nơi cư trú (nơi ở trước khi đi cải tạo) đối với những tù nhân cải tạo tốt hoặc những tù nhân có khả năng cải tạo.
Chuyển đến những tù nhân đang trong thời gian cải tạo nhưng không có khả năng lao động đến trại lao động đặc biệt ở Tây Ninh.
Đưa những tù nhân đặc biệt nguy hiểm ra Côn Đảo.
Về phần phụ nữ cũng sẽ áp dụng những đề nghị nêu trên. Những nữ tù nào chưa được hưởng chính sách khoan hồng sẽ chuyển lên trại lao động đặc biệt ở Tây Ninh.
Trong trại A ở Núi Bà Rá ngoài người Nam kỳ, còn có hàng trăm người Bắc kỳ, những người này trước đây tạm chuyển đến Núi Bà Rá trong thời gian chờ đợi trả về nơi cư trú. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra vì đoàn xe chở tù nhân ra Bắc bị hủy bỏ. Hiện cũng có khoảng 50 người Bắc kỳ khác cũng trong tình trạng như vậy đang tạm giam ở nhà tù tỉnh Gia Định và chuẩn bị chuyển lên Núi Bà Rá. Việc xem xét lại hồ sơ của những người này sẽ cho phép một lượng lớn tù nhân được trả tự do. Ngoài ra, chúng ta có thể áp dụng biện pháp cư trú bắt buộc tại Nam kỳ đối với họ. Còn những tù nhân được xem là nguy hiểm sẽ bị đưa ra Côn Đảo.
Cũng giống như người Bắc kỳ, hàng trăm hồ sơ của người Hoa cũng đang đợi xem lại (46 ở Núi Bà Rá, số còn lại ở nhà tù tỉnh Gia Định). Trong khi chờ đợi quyết định trục xuất, thì việc giam giữ những tù nhân này cũng chiếm một lượng lớn, và chỉ có một ít tù nhân bị đưa ra Côn Đảo.
Theo tôi thì đề nghị của Đổng lý văn phòng về việc phân bổ đều trong các tỉnh số lượng tù nhân ở Núi Bà Rá thành từng đội từ 25 đến 50 dường như có nhiều bất cập.
Quả thật, việc phân tán số lượng tù nhân trong các tỉnh sẽ buộc phải làm tăng thêm số lượng trại lao động đặc biệt. Đồng thời, tôi thấy rằng, các chủ tỉnh cũng không thấy có lợi khi tiếp nhận một lượng nhân công tù nhân kém cỏi xét về mặt đạo đức lẫn sức khỏe”[xiv].
Chính sách của chính quyền thực dân chưa kịp thực hiện thì cách mạng Tháng 8-1945 thành công, tù nhân trại Bà Rá đã nổi dậy đập tan xiềng xích, trở về chiến khu, trở về quê hương góp phần giải phóng đất nước… Có thể thấy trại Lao động đặc biệt Bà Ra chỉ được hình thành và đi vào hoạt động trong khoảng thời gian 20 năm, nhưng đã để lại nhiều câu chuyện về sự khó khăn cùng sự tàn bạo của thực dân Pháp đối với tù nhân bị giam giữ tại đây.
Chú thích:
[i]Công văn số 399/2 ngày 18-08-1944 gởi Thống đốc Nam Kỳ về việc chuyển tù nhân lên núi Bà Rá, ký hiệu hồ sơ: T53/558, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[ii] Công văn 119/2 ngày 17-07-1944 về kế hoạch chuyển tù nhân tù Sài Gòn lên Bà Rá, ký hiệu hồ sơ T53/558, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[iii]Công văn số 119/2 ngày 17-07-1944 gửi Thống đốc Nam Kỳ về kế hoạch chuyển tù nhân tù Sài Gòn lên Bà Rá, ký hiệu hồ sơ T53/558, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[iv] Quyết định ấn định chi phí nuôi tù nhân tại trại lao động đặc biệt Bà Rá và Tà Lài, ký hiệu hồ sơ số G83/39, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[v]Thông tư số 115B ngày 13/02/1942 của Thống đốc Nam kỳ gởi các tỉnh, ký hiệu hồ sơ G8/41, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII;
[vi] Công văn số 33sc của Thanh tra Lao động gởi Thống đốc Nam Kỳ báo cáo chuyến kinh lý đến trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTQGII.
[vii] Bảng thống kê số tù nhân bị giam giữ tại trại A, B, C trại lao động đặc biệt Bà Rá qui 1, 2, 3/1941, ký hiệu hồ sơ G8/41, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[viii]Công văn số 8307 ngày 06-09-1944 gởi Thống đốc Nam Kỳ về việc chuyển hoặc giải tán trại lao động đặc biệt Bà Rá, hồ sơ số IIA45/216, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[ix] Công văn số 1474 ngày 28-08-1941 của Thống đốc Nam Kỳ gởi Chủ tỉnh Biên Hòa v/v sắp xếp lại các khu giam giữ tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[x] Thông tư số 609 ngày 24-09-1940 của Thống đốc Nam Kỳ về việc lập 1 khu trại dành cho nữ tù nhân tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[xi] Thông tư số 609 ngày 24-09-1940 của Thống đốc Nam Kỳ về việc lập 1 khu trại dành cho nữ tù nhân tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[xii] Thông tư số 682 ngày12-11-1940 của Thống đốc Nam kỳ về việc quản lý con em nữ phạm nhân tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[xiii] Công văn 1474 của Thống đốc Nam kỳ gởi Chủ tỉnh Biên Hòa về việc sắp xếp lại các khu giam giữ tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, ký hiệu hồ sơ IIA45/243, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
[xiv]Công văn số 6464s ngày 13-09-1944 của Sở cảnh sát Sài Gòn gửi Thống đốc Nam Kỳ về việc phân tán tù nhân tại trại lao động đặc biệt Bà Rá, phông Thống đốc Nam Kỳ, TTLTII.
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch