Vài nét về Bộ Học qua châu bản triều Nguyễn

Có thể nói có không ít tư liệu viết về Bộ Học và những cách tân trong chương trình giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp, tuy nhiên Châu bản triều Nguyễn thực sự là nguồn sử liệu quan trọng cung cấp những thông tin xác thực, giá trị để chúng ta có cơ sở nghiên cứu về nền giáo dục Việt Nam thời thuộc địa.

Sau khi lên ngôi, Gia Long mô phỏng theo cơ cấu tổ chức thời Lê thiết lập Lục Bộ gồm: Bộ Lại (coi việc tuyển bổ quan lại), Bộ Hộ (quản về tài chính, thuế khoá), Bộ Lễ (quản việc triều hạ, lễ nghi, học hành), Bộ Binh (chịu trách nhiệm về quốc phòng), Bộ Hình (coi việc pháp luật), Bộ Công (quản việc xây dựng). Lục Bộ là hệ thống các cơ quan hành chính cấp trung ương và đóng vai trò quan trọng thời kỳ nhà Nguyễn độc lập (1802 – 1883). Năm 1884, triều đình Huế chấp nhận sự bảo hộ của chính phủ Pháp, vì vậy thể chế chính trị của Nam triều có nhiều thay đổi.  Cùng với những thay đổi đó, Bộ Học ra đời.

Sự ra đời của Bộ Học là do chủ ý của chính quyền thực dân nhằm làm thay đổi hệ thống giáo dục của triều Nguyễn. Trong Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Nguyễn Bá Trác cho biết đầu năm 1907, triều đình Huế cử hai đại thần Cao Xuân Dục và Huỳnh Côn cầm đầu phái đoàn vào Nam kỳ để “bàn nghị học chính” với Pháp, cuối năm về Huế, ngay sau đó“thiết lập Bộ Học”1. Và, tập 1 Từ điển bách khoa Việt Nam giải thích về Bộ Học như sau: “Cơ quan nhà nước của triều đình nhà Nguyễn thời thuộc Pháp, chuyên coi việc học hành, thi cử, được tách ra từ Bộ Lễ vào năm 1907, thời vua Duy Tân”2. Tuy nhiên, lại có ý kiến cho rằng “Bộ Học thành lập thời Bảo Đại sau khi bỏ Bộ Binh vào năm 1932”3.  Để có thêm những thông tin về sự ra đời và cơ cấu tổ chức của Bộ Học, chúng tôi đã khảo sát nguồn sử liệu Châu bản triều Nguyễn.

Khảo sát phông Châu bản triều Nguyễn, chúng tôi thấy còn lưu được một số văn bản có nội dung về việc thành lập Bộ Học. Trong đó, bản tấu của Phủ Phụ chính dâng vào ngày mồng 9 tháng 9 năm Duy Tân thứ nhất (1907) bàn về việc thành lập Bộ Học như sau:

“Ngày 9 tháng 9 năm Duy Tân thứ nhất (1907), chúng thần Phủ Phụ chính tâu: kỳ hội bàn ngày 17 tháng trước Quý Khâm sứ đại thần Lê Viết bàn rằng hiện nay cách học, cách thi mới sửa đổi, vận hội học hành dần mở ra, nghĩ nên xét theo tình hình cho phù hợp thời thế lập thêm 1 bộ gọi là Bộ Học, đặt 1 thượng thư. Cho lấy Hiệp biện đại học sĩ sung Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc tử giám An Xuân nam Cao Xuân Dục bổ làm Thượng thư bộ đó, sung đại thần Phủ Phụ chính và kiêm quản Quốc sử quán; còn việc đặt chức Tổng tài riêng thì sẽ bàn chọn. Theo đó, tất cả văn thư, công việc liên quan tới văn học trước đây thuộc Ty Tân hưng của Bộ Lễ đều giao bộ đó nhận làm cho chuyên trách…. Phủ thần xét thấy việc ấy là tùy thời thiết lập, vì công việc mà chọn người, những mong cổ vũ văn phong xin nên chuẩn cho thi hành. Duy có việc bộ đó đặt chức Thượng thư thì có 1 viên Tham tri hoặc Thị lang để bàn bạc công việc. Lại chức trách của Quốc tử giám lệ trước có đại thần kiêm quản, không có viên chuyên trách. Từ nay về sau do Thượng thư bộ đó kiêm quản, vĩnh viễn lấy đó làm lệ. Bộ thần vâng bàn trình lên đợi soạn thiết lập Bộ Học.”4

chau ban1

Bản tấu của Phụ Phụ chính bàn về việc thành lập Bộ Học

Ngay sau bản tấu của Phủ Phụ chính là bản phụng thượng dụ vàogày mồng 9 tháng 9 năm Duy Tân thứ nhất (1907) của các vị đại thần Miên Lịch, Trương Như Cương, Lê Trinh, Hoàng Côn, Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài về việc thành lập Bộ Học. Dụ rằng: “…Nay căn cứ vào bản tấu của Phủ Phụ chính trình bày rằng Quý Khâm sứ đại thần Lê Viết nghĩ bàn ở 6 bộ đặt thêm 1 bộ tên là Bộ Học. Đặt 1 Thượng thư, 1 Tham tri hoặc Thị lang cho có chuyên trách. Tất cả văn thư, công việc của Ty Tân Hưng thuộc Bộ Lễ giao bộ đó nhận làm. Đồng thời, công việc của Nha Học chính ở kinh và các tỉnh ngoài có liên quan đến giáo dục, học hành trước kia tư cho Bộ Lễ, nay tư cho bộ đó giải quyết. Vả lại, chức trách của Quốc sử quán và Quốc tử giám theo lệ đều có đại thần kiêm sung Sử quán và kiêm quản Quốc tử giám, không có viên chuyên trách. Nay đã thiết lập có bộ chuyên trách công việc thì việc của hai nha ấy đều do Thượng thư bộ đó kiêm quản. Từ nay về sau chiếu đó mà làm…”5.

Bohoc_2

Dụ về việc thành lập Bộ Học

Sau khi Bộ Học được thành lập liền lấy Sở Tôn học làm công đường, phỏng theo quan chế Lục Bộ xin chế định. Về việc đặt quan chức cho Bộ Học, bản tấu ngày 20 tháng 12 năm Duy Tân thứ nhất (1907) của Bộ Lại bàn rằng: “Ngày 17 tháng 10 nhận được tờ tư của quan Bộ Học Cao Xuân Dục trình bầy việc tháng trước được vâng chuẩn cho đặt thêm Bộ Học. Thuộc viên của bộ này tham khảo số người của 6 bộ xin đặt Viên ngoại lang, Lang trung, Chủ sự, Tư vụ, mỗi chức 1 người; bát, cửu phẩm mỗi hạng 2 người; thư lại 4 người”6.

So với Lục Bộ lập ra từ thời Gia Long thì số quan chức trong Bộ Học ít hơn, chỉ có “1 chức Thượng thư, 1 Tham tri, 1 Lang trung, 1 Viên ngoại lang, 1 Chủ sự và 1 Tư vụ”7. Các viên quan này đều được chế cấp thẻ bài, riêng chức Thượng thư và Tham tri được ban thêm dấu quan phòng để sử dụng. Theo như bản tấu ngày mồng 9 tháng 1 năm Duy Tân thứ 2 (1908) tâu rằng: “Ngày 18 tháng Chạp năm ngoái nhận được tư văn của quan Bộ Học Cao Xuân Dục trong đó nói bộ đó đã được phê chuẩn lập thêm, nhưng chưa có ấn quan phòng. Vậy xin chế cấp 1 ấn quan phòng Thượng thư và 1 ấn quan phòng Tham tri để sử dụng. Bộ thần xét các điều tư văn trình bầy là tuân theo lệ thực hiện, hai ấn quan phòng đó xin do Phủ Nội vụ cấp phát ngà voi, bộ thần làm đơn lãnh về, sức thợ theo mẫu chế tạo phát giao cho bộ đó sử dụng”8.

Giống như Lục Bộ, Bộ Học cũng được ban một bố ấn kiềm để dùng. Ngày 13 tháng 10 năm Duy Tân 1 (1907), Bộ Công tâu rằng: “Nay nhận được thượng dụ do Phủ Phụ chính cung lục lập thêm Bộ Học. Về dấu ấn của bộ đó do Hữu ty bàn bạc đúc cấp. Bộ thần xét thấy bộ đó mới lập thêm, vì vậy ấn kiềm xin nên chiếu theo quy cách của các bộ sức dự trù làm 1 ấn và 1 kiềm bằng đồng”9

Bộ ấn kiềm này được chế theo quy cách của Lục Bộ nên ấn chính khắc bốn chữ Học bộ chi ấn có kích thước là 9,0 cm x 9,0 cm, viền ngoài 0,9 cm; kiềm ấn khắc Học bộ, kích thước 2,7 cm x 2,7 cm. Ấn lớn được đóng trên chữ “tháng nào” của dòng niên đại, dấu kiềm dùng đóng ở vị trí quan trọng, chữ tẩy xóa, thêm bớt và giáp trang. Trên Châu bản triều Nguyễn hiện còn lưu rất nhiều hình dấu bộ ấn kiềm này.

Bohoc_3Bohoc_4

    Hình dấu Học bộ chi ấn                 Hình dấu Học bộ

Như vậy, qua các châu bản này chúng ta có thể khẳng định: Bộ Học được thành lập vào năm Duy Tân thứ nhất (1907) và được tách ra từ Bộ Lễ. Khi chưa có Bộ Học thì mọi việc liên quan đến giáo dục, thi cử, chọn hiền tài, lập nhà học đều do Bộ Lễ đảm nhiệm và giao Ty Tân hưng thanh lại chuyên trách. Sau khi Bộ Học thành lập, việc giáo dục, học hành, thi cử do bộ đó giải quyết; đồng thời công việc của Quốc sử quán và Quốc tử giám đều do Thượng Thư Bộ Học kiêm quản.

Từ triều Thành Thái việc học hành đã có nhiều đổi mới, nhiều trường học được lập ra, tuy nhiên đến khi thành lập Bộ Học thì mọi thể chế thi cử, nhà trường, tuyển chọn học sinh của Nam triều càng thay đổi. Nếu trước kia, triều Nguyễn độc tôn Nho học, việc học hành chỉ dùng chữ Nho, thi cử chủ yếu sử dụng các bài cổ văn, thi, phú, chế, chiếu, biểu, văn sách… thì nay thêm cả phần dịch sang chữ quốc ngữ và tiếng Pháp. Đây là một bước cách tân để tiếp nhận nền giáo dục mới, nền văn hóa mới.

Tóm lại, Bộ Học được thành lập sau khi có những thay đổi trong thể chế Nam triều và trước sự du nhập những luồng văn Âu hóa Mĩ của trời Tây. Sự ra đời của Bộ Học – như lời của Quý Khâm sứ đại thần Lê Viết là do “nay cách học, cách thi mới sửa đổi, vận hội học hành dần mở ra, nghĩ nên xét theo tình hình cho phù hợp thời thế lập thêm 1 bộ” và cũng để đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc. Mặc dù quan chế của Bộ Học cũng có Thượng thư, Tham tri, Viên ngoại lang… nhưng tất cả phải làm việc theo kế hoạch và sự chỉ huy của Giám đốc Học chính Trung Kỳ. Dưới sự sắp đặt của chính quyền thực dân, chương trình học tập thời kỳ này ngày càng đổi mới.

Có thể nói có không ít tư liệu viết về Bộ Học và những cách tân trong chương trình giáo dục Việt Nam thời thuộc Pháp, tuy nhiên Châu bản triều Nguyễn thực sự là nguồn sử liệu quan trọng giúp cho những nghiên cứu của chúng ta. Nguồn sử liệu này đã cung cấp những thông tin xác thực, giá trị để chúng ta có cơ sở nghiên cứu về nền giáo dục Việt Nam thời thuộc địa.

Chú thích:

  1. Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu, Nguyễn Bá Trác, Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành, Sài Gòn. 1963, tr.358.
  2. Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa xuất bản, Hà Nội, 1995, tr. 261.
  3. Địa danh thành phố Huế , Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2001, tr. 339.
  4. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 3, tờ 26.
  5. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 38, tờ 1.
  6. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 4, tờ 146.
  7. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 3, tờ 205.
  8. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 8, tờ 180.
  9. Châu bản triều Nguyễn, Duy Tân tập 3, tờ 147.

Th.S Nguyễn Thu Hường – TTLTQG I

Nguồn: archives.gov.vn

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *