Vài nét về quá trình bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới

VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH BẢO QUẢN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TÀI LIỆU MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN – DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI

                                                                            Phạm Thị Huệ

1. Sơ lược về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

          Mộc bản là bản gỗ khắc chữ để in sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến (từ điển Lưu trữ Việt Nam – 1992).

          Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, hiện được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, là những văn bản, tác phẩm được khắc chữ Hán – Nôm ngược lên những tấm gỗ để in ra thành sách.

          Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), nhà Nguyễn cho lập Quốc sử quán để biên soạn quốc sử, thực lục các triều vua và sách chuyên khảo về giáo dục, địa chí … dựa trên các sách cổ và những tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của triều đình và các bộ, nha, trấn, thành … như chiếu, dụ, chỉ của nhà vua đã được đưa ra thi hành; các phiến, tấu, sớ, sách của các cơ quan và địa phương đã được vua phê duyệt và hầu bửu – bản chính của các văn bản trên được gọi là Châu bản. Theo lệ định, Châu bản được giao cho Nội các để sao chép lời Ngự phê vào hai phó bản; khi sao chép và hầu bửu xong, Nội các gửi một phó bản cho Quốc sử quán để làm tài liệu biên soạn các sách.

          Bản thảo sách sau khi biên soạn xong, được kiểm tra, bổ sung, chỉnh sửa qua nhiều khâu, cuối cùng được chép “tinh tả” rõ ràng theo nguyên bản, kèm theo biểu dâng sách tiến trình Hoàng đế “Ngự lãm”. Sau  khi nhà vua xem xong và phê duyệt, bản thảo được giao cho thợ khắc in, khắc lên những tấm gỗ (mộc bản) để in ra nhiều bản. Mộc bản sau khi in xong, được đưa vào bảo quản ở Tàng bản đường trong Quốc sử quán.

          Trong hơn một thế kỷ tồn tại, Quốc sử quán triều Nguyễn đã biên soạn nhiều bộ sách sử có giá trị như Đại Nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam nhất thống chí … Đồng thời, Quốc sử quán cũng đã tạo ra một khối lượng lớn tài liệu Mộc bản, chủ yếu là ván khắc in những tác phẩm chính văn, chính sử của vương triều Nguyễn …

          Mộc bản triều Nguyễn phần lớn là những bộ ván khắc in những tác phẩm được triều đình nhà Nguyễn biên soạn, ngoài ra còn bao gồm cả những ván khắc in các sách kinh điển của nhà nho dùng để dạy và học, một số bộ chính sử khắc từ thời Lê được thu ở Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội đưa vào Huế và lưu trữ ở Quốc tử giám dưới thời vua Minh Mạng và Thiệu Trị.

          Gỗ dùng làm ván khắc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vừa mềm, vừa mịn. Theo tài liệu của triều Nguyễn để lại, gỗ dùng để khắc Mộc bản triều Nguyễn là gỗ thị, gỗ lê, gỗ táo hay gỗ cây nha đồng. Thớ gỗ trắng, sáng ngời như ngà voi. Nét chữ khắc trên tài liệu Mộc bản rất điêu luyện, tinh xảo và sắc nét. Mỗi nét chữ như rồng bay phượng múa, chuyển tải tâm tư, tình cảm và tâm huyết của người thợ khắc in. Mỗi tấm Mộc bản không chỉ là một trang tài liệu quý có giá trị lịch sử mà còn là một tác phẩm nghệ thuật.

          Nội dung của khối tài liệu này rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn như: lịch sử; địa lý; chính trị – xã hội; quân sự; pháp chế; văn hóa – giáo dục; tôn giáo – tư tưởng – triết học; văn thơ; ngôn ngữ – văn tự. Tổng cộng có 152 đầu sách với 1.935 quyển.

          Về lịch sử: có 30 bộ sách gồm 836 quyển: ghi chép về lịch sử Việt Nam thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều Nguyễn.

          Về địa lý: có 02 bộ sách gồm 20 quyển: ghi chép về địa lý đã thống nhất ở Việt Nam và ghi chép về Hoàng thành Huế.

          Về chính trị – xã hội: có 05 bộ sách gồm 16 quyển: ghi chép về sách lược của các triều đại phong kiến Việt Nam.

          Về quân sự: có 05 bộ sách gồm 151 quyển: ghi chép về việc đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở Bắc Kỳ, Nam Kỳ, Bình Thuận và một số nơi khác.

          Về pháp chế: có 12 bộ sách gồm 500 quyển: ghi chép về điển chế và pháp luật triều Nguyễn.

          Về văn hóa – giáo dục: có 31 bộ sách gồm 93 quyển: ghi chép về những nhân vật đỗ cử nhân và tiến sĩ triều Nguyễn.

          Về tư tưởng – triết học – tôn giáo: có 13 bộ sách gồm 22 quyển: ghi chép về phương pháp tiếp cận kinh điển Nho gia.

          Về văn thơ: có 39 bộ gồm 265 quyển: ghi chép thơ văn của các bậc Đế vương và Nho gia nổi tiếng Việt Nam …

          Về ngôn ngữ văn tự: có 14 bộ sách gồm 50 quyển: giải nghĩa luận ngữ bằng thơ Nôm.

Trong khối Mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV có những bộ ván khắc rất có giá trị như:

–  Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long): đây là bộ luật lớn nhất triều Nguyễn được ban hành vào năm Gia Long thứ 12. Khi nghiên cứu lịch sử luật pháp Việt Nam, không thể không nghiên cứu bộ sách này. Hiện nay còn giữ được 878 mặt khắc Mộc bản.

– Bộ Đại Nam thực lục: đây là bộ sử lớn được biên soạn từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821). Thời gian biên soạn và san khắc kéo dài gần một thế kỷ (88 năm). Nội dung ghi chép về lịch sử các đời chúa và các triều vua nhà Nguyễn từ 1558 – 1909 (351 năm). Hiện nay còn giữ được 11.949 mặt khắc Mộc bản.

– Bộ sách Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử biên niên, chép lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Trung Hưng (1675). Tác phẩm được biên soạn từ cuối thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XVII. Là một bộ quốc sử lớn và là một bộ quốc sử đầu tiên của Việt Nam còn lưu truyền đến nay. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và công bố lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa thứ 18, triều Lê Hy Tông (năm 1697), và là bộ sử Việt Nam cổ nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều sử gia từ thời nhà Trần đến nhà Hậu Lê biên soạn. Hiện nay còn giữ được 330 mặt khắc Mộc bản.

Vừa qua, trong quá trình khảo sát Mộc bản triều Nguyễn để lựa chọn những Mộc bản liên quan đến Thăng Long – Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã tìm thấy tấm Mộc bản, khắc “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn năm 1010, bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi trong bộ sách này. Từ trước đến nay có nhiều công trình đề cập đến các tài liệu trên, nhưng chỉ là những bản sao, bản chụp. Những tấm Mộc bản trên là tài liệu rất quý, là bản khắc duy nhất và cổ nhất còn lại của Việt Nam hiện nay. Ngoài ra Trung tâm còn tìm thấy nhiều Mộc bản (167 mặt khắc), khắc về khoa bảng Thăng Long – Hà Nội dưới triều Nguyễn. Trung tâm đang chuẩn bị công bố những tài liệu này vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (2010).

Ngoài giá trị đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn còn có giá trị khi tìm hiểu lịch sử văn hóa các nước khác trên thế giới như: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ, Bồ Đào Nha, …

Đặc biệt, trong khối tài liệu quý giá này, có những nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa.

  1. Quá trình bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn

Trước năm 1960, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản ở Huế. Từ năm 1960 cùng với Châu bản, Địa bạ… Mộc bản triều Nguyễn được chuyển từ  Huế vào Đà Lạt. Quá trình thiên di tài liệu Mộc bản từ Huế vào Đà Lạt được tiến hành rất cẩn trọng, công phu, và phải thực hiện ba lần mới hoàn thành.

Từ năm 1961 đến 1975, Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt. Dưới chế độ Việt Nam cộng hòa, vì nhiều lý do, Mộc bản không được quan tâm đúng mức. Có những lúc Mộc bản triều Nguyễn bị ngâm dưới hầm, nước ngập 45 cm. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng Mộc bản triều Nguyễn bị  xuống cấp trầm trọng.

Sau năm 1975, Mộc bản triều Nguyễn do  Sở Lưu trữ Phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quản lý. Từ năm 1976, giao cho Cục Lưu trữ Nhà nước (nay là Cục Văn thư và Lưu trữ  Nhà nước). Từ năm 1988 trở về trước, Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Tòa nhà Dòng Chúa Cứu thế. Sau năm 1988, Mộc bản được chuyển về khu biệt điện Trần Lệ Xuân cũ (nay là Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV) tại số 2 Yết Kiêu – Phường 5 – Tp.Đà Lạt.

Từ năm 1976 – 8/2006, Mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia II quản lý. Từ tháng 8/2006 đến nay, Mộc bản triều Nguyễn được giao cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý và tổ chức sử dụng. Từ trước đến nay Mộc bản triều Nguyễn luôn luôn được bảo vệ và bảo quản rất cẩn mật. Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được Cục Văn thư và  Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ và các ban ngành liên quan rất quan tâm chỉ đạo thực hiện các khâu nghiệp vụ nhằm phát huy có hiệu quả giá trị của khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này.

Trước khi tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã được xây dựng nhà kho chuyên dụng hiện đại để bảo quản; Mộc bản đã được in dập ra giấy dó; phân loại, chỉnh lý khoa học bản dập Mộc bản; đã số hóa, có phần mềm quản lý và phục vụ khai thác sử dụng bản dập.

Để phát huy giá trị tài liệu, năm 2004, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cho phép Trung tâm Lưu trữ quốc gia II biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan để giới thiệu tổng quan nội dung khối tài liệu quý hiếm này.

Năm 2008, được sự đồng ý của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã sửa chữa, bổ sung, biên soạn lại và tái bản cuốn sách trên dưới dạng sách điện tử để tăng cường phát huy giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Đối với bản gốc Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã chỉnh lý khoa học toàn bộ, với số lượng 34.618 tấm bản gỗ khắc chữ Hán – Nôm ngược. Đã xây dựng phần mềm quản lý và phục vụ khai thác bản gốc Mộc bản. Đồng thời thường xuyên làm vệ sinh tài liệu Mộc bản, đặc biệt là đối với những tài liệu bị rêu mốc bám dày (do có một thời gian dài, dưới chế độ Việt Nam cộng hòa bị ngâm dưới hầm ngập nước).

Trung tâm đã phối hợp làm phim giới thiệu về Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn để quảng bá trên các đài truyền hình trung ương và địa phương, giúp cho công chúng trong nước và quốc tế hiểu về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Năm 2007, Trung tâm đã làm phiên bản Mộc bản triều Nguyễn để đưa ra trưng bày, mở cửa thường xuyên để đón các nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan. Năm 2008, Trung tâm lại tổ chức thành công Khu trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn ngoài trời rất độc đáo để quảng bá Mộc bản triều Nguyễn. Sau khi mở cửa, Khu trưng bày đã thu hút được đông đảo du khách và các nhà nghiên cứu đến tham quan, được các cơ quan thông tấn báo chí cổ vũ và đông đảo công chúng tới tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, các du khách trong và ngoài nước đến tham quan ngày càng đông. Tính đến 15/7/2010, đã có 39.490 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trung tâm đã chủ động viết bài và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các nhà báo viết bài giới thiệu Mộc bản triều Nguyễn trên các báo và tạp chí: trước khi tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã có 19 bài viết về loại tài liệu này.

Dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, năm 2007, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ để  Cục trình UNESCO đăng ký Mộc bản triều Nguyễn vào “Chương trình Ký ức thế giới”. Đây là một việc rất mới và rất khó đối với Trung tâm, vì số lượng Mộc bản rất lớn, lại khắc chữ Hán Nôm ngược trên gỗ, rất khó giải mã để thuyết minh giá trị về mặt nội dung của Mộc bản triều Nguyễn. Việc làm toát lên giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đối với Việt Nam đã khó, nhưng cái khó nhất là làm toát lên giá trị xuyên quốc gia của tài liệu Mộc bản, tức là ý nghĩa quốc tế của chúng. Trung tâm phải làm đi làm lại nhiều lần, và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngày 30/7/2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây là lần đầu tiên Việt Nam nhận được sự vinh danh này của UNESCO.

Sau khi Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tiếp tục phát huy giá trị của khối tài liệu này. Được sự đồng ý của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm đã tổ chức Lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho tài liệu Mộc bản triều Nguyễn vào đúng dịp kỷ niệm ngày Lưu trữ Việt Nam, đồng thời đúng vào dịp Lễ hội Festival hoa Đà Lạt. Thành phần dự Lễ gồm Lãnh đạo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam, lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương, các nhà khoa học, cán bộ viên chức ngành Văn thư Lưu trữ Nhà nước qua các thời kỳ, đại diện các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, các đại sứ và đại biện các nước. Mục đích giới thiệu và quảng bá rộng rãi tới các nhà nghiên cứu, tới công chúng trong nước và quốc tế về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Theo nhận định của ông Phạm Sanh Châu – Tổng thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại Bộ Ngoại giao, thì đây là Lễ phát bằng đầu tiên của UNESCO có sự hiện diện đông đảo nhất các nhà ngoại giao của các nước: 13 đại sứ các nước dự lễ và tham quan bản gốc Mộc bản triều Nguyễn. Tại buổi lễ, đại sứ Hàn Quốc đã phát biểu: Việc tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới đã khẳng định Việt Nam là một nước có nền văn hóa và lịch sử rất lâu. Đây cũng là dịp Mộc bản triều Nguyễn được đánh giá cao và quảng bá rộng rãi không phải chỉ trong nước mà ra toàn thế giới.

Sau khi tài liệu Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tiếp tục chủ động viết bài, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu và giới báo chí viết bài giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên các báo và tạp chí: số lượng 85 bài (chưa kể 19 bài đăng trước khi Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới). Có những bài của Trung tâm được viết bằng 7 thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Trung, Nga, Nhật, Tây Ban Nha) để giới thiệu và quảng bá tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Sau khi biên soạn lại và tái bản sách Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan dưới dạng sách điện tử, Mộc bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, năm 2009, Trung tâm đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản sách “Mộc bản triều Nguyễn – Đề mục tổng quan” dưới dạng sách in đúng vào dịp khai mạc Hội nghị lưu trữ SARBICA, cuối tháng 9/2009. Cuốn sách dày 1.140 trang, khổ A4 đã gây được ấn tượng tốt cả về hình thức và nội dung, rất bổ ích cho các nhà nghiên cứu, các độc giả trong và ngoài nước, khi tiếp cận khối tài liệu đặc biệt này.

Phối hợp với Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam mở chuyên mục: Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới, liên tục viết bài để phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Từ tháng 02 – 7/2010, Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam đã đăng 06 bài công bố, giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên chuyên mục này.

Đồng thời, để các nhà nghiên cứu và công chúng các nước ngày càng hiểu hơn giá trị của Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã lựa chọn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tiêu biểu đưa đi trưng bày tại Triển lãm Văn hóa Lưu trữ quốc tế – IACE 2010 tại Seoul (Hàn Quốc).

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, dưới sự chỉ đạo của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Bộ Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đã và đang thực hiện một số nội dung sau:

  1. Làm phiên bản Mộc bản “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn (1010) để tặng UBND thành phố Hà Nội trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
  2. Thiết kế và đặt pano quảng bá tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tại sân bay quốc tế Liên Khương và các điểm đông khách du lịch trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
  3. Biên soạn, xuất bản sách Khoa bảng Thăng Long – Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.
  4. Biên soạn và xuất bản sách Mộc bản triều Nguyễn và Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.
  5. Thực hiện trưng bày tài liệu Mộc bản triều Nguyễn ngoài trời liên quan đến Thăng Long – Hà Nội.
  6. Làm phim Dấu ấn Thăng Long – Hà Nội qua Mộc bản triều Nguyễn.

          Hai cuốn sách trên được công bố trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các pano quảng bá và Khu trưng bày về Thăng Long – Hà Nội cũng được hoàn tất trước ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Phim Dấu ấn Thăng Long – Hà Nội qua Mộc bản triều Nguyễn sẽ được hoàn tất và phát sóng tiếng Việt trên các kênh của Đài truyền hình trung ương và địa phương như: VTV1, VTV2, VTV3, HTV7, HTV9 … ; bản tiếng Anh sẽ được phát sóng trên kênh VTV4, tất cả đều đúng vào dịp Đại lễ. Mục đích phát huy giá trị tài liệu Mộc bản tới công chúng trong nước và quốc tế, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

III. Một số dự định và kiến nghị

          Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vừa là vinh dự lớn, vừa là trách nhiệm nặng nề đối với đất nước, đối với ngành Lưu trữ nói chung, đối với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV nói riêng. Để tăng cường bảo quản và phát huy hơn nữa giá trị của khối tài liệu quý hiếm này, trong thời gian tới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV dự định và kiến nghị các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện và cho phép thực hiện Đề án “Bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu Mộc bản triều Nguyễn”. Trước mắt cho phép thực hiện một số công việc sau:

– Tăng cường nghiên cứu và áp dụng các biện pháp thích hợp để kéo dài tuổi thọ của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

– Dịch, biên soạn và xuất bản sách công bố, giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tới các nhà nghiên cứu và công chúng.

– Tiếp tục nghiên cứu, viết bài giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên các báo và tạp chí; duy trì thường xuyên việc công bố tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên chuyên mục: Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới của Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam.

– Phối hợp với các cơ quan truyền hình làm phim tiếng Việt và tiếng Anh giới thiệu về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn với công chúng trong nước và quốc tế.

– Hàng năm thực hiện trưng bày giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn với các nhà nghiên cứu, với du khách đến tham quan tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

– Đưa hình ảnh tài liệu Mộc bản vào các vật dụng như: in hình ảnh tài liệu Mộc bản triều Nguyễn trên các áo thun, trên ca uống nước.v.v… nhằm xã hội hóa công tác lưu trữ và quảng bá tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

– Lựa chọn tài liệu Mộc bản triều Nguyễn để làm tem giới thiệu tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tới công chúng.

– Hàng năm làm pano quảng bá tài liệu Mộc bản triều Nguyễn tại các điểm đông khách du lịch để quảng bá tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đến các du khách trong nước và quốc tế.

– Đào tạo nâng cao trình độ cán bộ để đáp ứng nhu cầu bảo quản và phát huy giá trị khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn.

Đây là nhu cầu cực kỳ cấp thiết đối với Trung tâm, vì hiện nay số lượng tài liệu Mộc bản rất lớn (34.618 tấm), toàn bộ khắc bằng chữ Hán – Nôm ngược. Số lượng người có khả năng nghiên cứu chuyên sâu về tài liệu Mộc bản triều Nguyễn hiện nay rất hiếm. Vì vậy, cần phải có chế độ ưu đãi đặc biệt để thu hút và đào tạo lực lượng kế cận, nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả khối tài liệu đặc biệt này.

– Khảo sát để sưu tầm và thu thập tài liệu Mộc bản triều Nguyễn về bảo quản tại Trung tâm, nhằm quản lý tập trung thống nhất.

Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV quản lý chưa phải đã là tất cả Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam. Hiện nay, còn một số tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang bị phân tán, thuộc quyền quản lý của một số tổ chức và cá nhân, gia đình, dòng họ. Vì vậy, chúng tôi rất mong được lãnh đạo các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa, có quy định cụ thể, và rất mong các tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ tạo điều kiện, để Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sưu tầm, thu thập tài liệu Mộc bản triều Nguyễn theo cơ chế quản lý tập trung, thống nhất, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của tài liệu Mộc bản triều Nguyễn – một trong những loại hình tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam – Di sản tư liệu thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *