Vài nét về: Vai trò của Hoa Kỳ đối với sự hình thành và tồn tại của chế độ Ngô Đình Diệm

 

Chiến thắng vĩ đại trong Đông – Xuân năm 1953 -1954 mà đỉnh cao là Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” quân dân Việt Nam đã buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ. Trong khi đó, âm mưu thiết lập chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, Mỹ làm áp lực buộc Pháp và Bảo Đại phải đưa Ngô Đình Diệm về Sài Gòn làm thủ tướng cái gọi là Quốc gia Việt Nam.

 Ngày 16-6-1954, dưới áp lực của Mỹ, Bảo Đại ký sắc lệnh số 37 – QT, giải tán chính phủ Bửu Lộc và Sắc lệnh số 38-QT chỉ định Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng Việt Nam Quốc gia[[1]]. Ngày 19-6-1954, Bảo Đại tiếp tục ban hành Dụ số 15, chính thức bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng chính phủ và có toàn quyền về dân sự và quân sự. Đến ngày 25-6-1954, Ngô Đình Diệm đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, chính thức nhậm chức Thủ tướng Quốc gia Việt Nam.

Ngày 30-6-1954, Ngô Đình Diệm ra Hà Nội để quan sát tình hình miền Bắc và để thăm dò nhân sự nhằm thành lập nội các mới. Tuy nhiên, tình hình không như Diệm mong muốn. Quân Pháp ở các nơi bị quân Việt Minh đánh tan tác, còn lực lượng tay sai người Việt vô cùng hỗn loạn.

Tâm trạng bị bỏ rơi của đối ngũ tay sai Pháp được chính Đại tá Vanuxem kể lại trong hồi ký của ông qua thái độ tuyệt vọng của giám mục Phạm Ngọc Chi. Đến trước mặt Vanuxem, ông Phạm Ngọc Chi quì xuống nói: “Không, tôi xin lỗi Đại tá, chúng tôi xin lỗi Đại tá, chúng tôi cứ tưởng rằng quốc gia xứng đáng được độc lập mà Đại tá có bổn phận giúp đỡ; nhưng chúng tôi đã nhận ra quá muộn rằng những người mà chúng tôi trông cậy (người Pháp) lại là những kẻ thù của chúng tôi, những kẻ thù muốn chúng tôi mất linh hồn”. [[2]].

Tuyệt vọng, trở về Sài Gòn, song tình hình miền Nam đối với Diệm cũng không mấy sáng sủa. Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết với việc quy định một cuộc tổng tuyển cứ thống nhất hai miền Nam – Bắc vào hai năm sau đó – một cuộc tổng tuyển cử Diệm hoàn toàn không có cơ may giành thắng lợi, khiến Diệm vô cùng lo lắng. Về chính trị, mặc dù làm thủ tướng của Quốc gia Việt Nam nhưng Diệm không có cơ sở chính trị – xã hội (làm thủ tướng một quốc gia không dân). Trong khi các thế lực thân Pháp và lực lượng giáo phái ra mặt chống đối Diệm quyết liệt.

Vì vậy, đồng thời với việc tuyên bố không thừa nhận Hiệp định Giơ-ne-vơ, Mỹ đã bỏ tiền của, lừa bịp và cưỡng ép gần 1 triệu người dân miền Bắc vào Nam – tạo ra cuộc di cư lớn chưa từng có trong lịch sử, để tạo cơ sở xã hội – chính trị cho Diệm.

Ngày 31-7-1954, để chuẩn bị cho kế hoạch ép buộc dân di cư “Hành trình đến tự do”, Nội các Quốc gia Việt Nam họp dưới quyền chủ tọa của Thủ tướng Ngô Đình Diệm bàn biện pháp tổ chức di cư. Theo đó, thời điểm này, chính quyền Diệm đã có một Ủy ban tản cư, việc “chuyên chở dân chúng thì do Bộ Công chánh; chuyên chở bộ đội thì do Bộ Quốc phòng[[3]]” thực hiện. Phan Khắc Sửu – Bộ trưởng Bộ Canh nông báo cáo “đã sẵn sàng để lập làng di cư, chỉ xin cho biết danh sách người di cư. Những đồng bào di cư Bùi Chu và Phát Diệm xin trú ngụ ở Biên Hòa và sẽ thành lập ra 6 làng[[4]]”. Mặc dù được chuẩn bị khá kỹ, nhưng cảm thấy không an tâm, nội các của Diệm đề xuất cho “thiết lập thêm một bộ, nếu không thì xin lập thêm một Nha Tổng Giám đốc để phục trách việc di cư[[5]]”. Và yêu cầu sự hỗ trợ của Mỹ. Trong khi ấy Mỹ cũng đã đánh tiếng “Viện trợ Mỹ sẵn lòng trong dịp này, song chưa thấy chánh phủ yêu cầu đến gì cả. Vậy nên xin viện trợ Mỹ giúp ngay cho phương tiện chuyên chở[[6]]”. Mỹ đã cung cấp ngay cho chính quyền Diệm 55 tàu phục vụ cho việc di cư. Tháng 7-1955 phái đoàn Michigan State University (MSU) ở Sài Gòn tiến hành một chương trình cấp bách để ổn định cho gần 1 triệu dân miền Bắc di cư vào Nam. MSU đã cố vấn cho Diệm tổ chức một cơ quan gọi là Tổng uỷ Di cư trực thuộc Phủ Tổng thống, được tổ chức theo ngành dọc từ Phủ Tổng thống đến địa phương, nhằm tổ chức chỗ ăn ở cho số dân này.

Đến tháng 4-1957, dưới sự cố vấn của Mỹ, chính quyền Diệm thực hiện chính sách tái định cư và cứu tế dân di cư, bằng việc xây dựng các khu dinh điền. Theo đó, Phủ Tổng ủy Di cư được thay thế bằng Phủ Tổng ủy Dinh điền gồm các Nha: kỹ thuật, Tài chính, Định cư. . . và các ban An ninh, Thanh tra, Công chính… chịu trách nhiệm điều hành và vạch kế hoạch hành động.

Dưới chiêu bài thiết lập các khu định cư, Mỹ – Diệm âm mưu sử các khu dinh điền nhằm cách ly, cô lập lực lượng cách mạng. Mỹ – Diệm xác định : “Khu dinh điền là biện pháp xẻ đường đưa dân vào chiến khu, mật khu Việt cộng, dùng dân để đẩy Cộng sản ra khỏi vùng đó, và dinh điền là nơi cung cấp tin tình báo, nơi xuất phát để hành quân ngăn chặn xâm nhập”[7].

Song song với việc tổ chức di cư, Mỹ giúp Diệm nhanh chóng xây dựng chính quyền miền Nam theo hướng thân Mỹ. Nhưng hành động của Diệm đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của các lực lượng giáo phái và tay chân của Pháp ở miền Nam Việt Nam.

Đến tháng 12-1954, sau khi đã buộc tướng Hinh và tay chân phải sang Pháp sống lưu vong, Diệm mạnh tay hơn trong việc cải tổ chính phủ, đẩy mạnh đưa tay chân vào nắm giữ các vị trí trọng yếu trong chính quyền.

Cuối năm 1955, khi loại bỏ được thế lực của Pháp, lực lượng giáo phái, chiếm thế thượng phong trên sân khấu chính trị miền Nam, Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại, thiết lập nền đệ nhất cộng hoà do mình làm tổng thống – mở đầu cho kế hoạch xây dựng quốc gia dân chủ  kiểu Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Trong thời gian 1955-1957, Phái đoàn MSU đã thiết kế bộ máy công quyền cho chính phủ Diệm từ Trung ương đến địa phương, truyền dạy cho các công chức của chính quyền Diệm về việc “cải tiến phương pháp làm việc theo phương châm mới nhất của khoa học hành chính”[[8]]. Công việc này do các Giáo sư Đại học Michigan phụ trách diễn giảng cho các công chức cao cấp của chính quyền gồm các chuyên đề chính như sau: “Sự quan trọng của công tác điều khiển trong các hoạt động hành chính; Công tác điều khiển trung cấp; Nghệ thuật kiểm soát và chỉ huy; Làm thế nào để phát triển công tác hành chính?; Công việc của các nhân viên trực tiếp cộng tác với cấp điều khiển; Tổ chức và phương pháp là gì?; Phục vụ công chúng; Vài phương diện của sự quản trị tài chính tân tiến; Các công tác hành chính và hệ thống tổ chức nhân viên; Trách vụ và trách nhiệm của công chức …” [[9]].

Qua đó, hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền Diệm đã được hình thành. Từ tổ chức của Phủ Tổng thống cho đến các bộ trong chính phủ. Sau khi tổ chức xong bộ máy trung ương, Phái đoàn MSU tiếp tục thiết kế cho Diệm bộ máy hành pháp ở địa phương. Phái đoàn đề nghị giải tán cấp phần, tăng mức độ phân quyền ở cấp tỉnh. Đồng thời tăng cường tính chất “dân chủ” ở địa phương bằng việc bầu cử hội đồng tỉnh và hội đồng xã. Thực hiện theo thiết kế của Phái đoàn MSU, từ năm 1956, Diệm tiến hành cải tổ mạnh mẽ bộ máy hành chính địa phương bằng các dụ, các thông tư quy định về tổ chức bộ máy từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đặc biệt là Dụ số 57a ngày 24-10-1956, đã cải tổ hoàn toàn nền hành chính địa phương. Đến năm 1958, về cơ bản Mỹ đã xây dựng bộ máy của chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, với bộ máy công quyền hiện đại, tương đối hoàn bị.

Khi chế độ thực dân mới Mỹ từng bước được thiết lập và tiến tới hoàn bị, cũng là thời điểm chính quyền Diệm “thực thi nhiệm vụ” chính yếu – đàn áp, khủng bố, tiêu diệt phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam. Nhưng ở miền Nam Việt Nam – một nơi mà quảng đại quần chúng, sau thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đều tin tưởng và trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, làm cho âm mưu của Mỹ – Diệm đã gặp trở ngại lớn.

Kể từ năm 1960, chế độ Mỹ – Diệm tồn tại với đầy dẫy mâu thuẫn. Tình hình chính trị quân sự của chính quyền Mỹ – Diệm ở miền Nam lâm vào khủng hoảng sâu sắc. Phong trào cách mạng miền Nam phát triển mạnh làm rung chuyển chế độ Sài Gòn từ nông thôn đến thành thị, ách thống trị, kìm kẹp của chính quyền Mỹ – Diệm mau chóng bị tan rã từng mảng. Ngày 20-12-1960, mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam ra đời … làm cho âm mưu và chính sách can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam cùng với chính quyền Ngô Đình Diệm phải đứng trước nguy cơ thất bại.

Năm 1960, cũng là thời điểm đánh dấu sự suy thoái của chính quyền Diệm khi nó vừa đạt “điểm đỉnh”. Dưới sự điều hành của anh em Ngô Đình Diệm, chính thể “dân chủ” nhanh chóng trở thành thể chế gia đình trị, chuyên quyền độc đoán. Mọi chính sách, công cụ của bộ máy công quyền được anh em Diệm tập trung vào tiêu diệt đối lập và đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng.

Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của phong trào cách mạng, nhằm che đậy chế độ thực dân mới, Mỹ ngày càng thúc bách Diệm tiến hành cải cách dân chủ để lừa mị quần chúng và tập hợp thêm nhiều thành phần không cộng sản khác về phục vụ mưu đồ của Mỹ. Song nhận biết làm như vậy là tự từ bỏ quyền lực của mình, anh em Diệm – Nhu tìm mọi cách chống chế. Trong các năm tiếp theo, tình hình miền Nam ngày càng trở nên tồi tệ, chính sách thực dân mới Mỹ đứng trước nguy cơ thất bại không thể tránh khỏi, khiến người Mỹ phải thay đổi chính sách ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, dùng nhiều biện pháp để tước bớt quyền lực của gia đình Diệm. Nhưng Diệm vẫn tiếp tục tỏ ra “ngoan cố”. Không còn biện pháp nào khác, ngày 1-11-1963, Mỹ phải tiến hành “thay ngựa giữa dòng”, đạo diễn các tướng lĩnh quân đội Sài Gòn thực hiện đảo chính, giết chế Diệm – Nhu, lật đổ nền đệ nhất cộng hoà ở miền Nam Việt Nam.

Như vậy, quá trình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ của Mỹ – Diệm gắn liền với quá trình áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ tập trung mọi cố gắng tạo ra một chính quyền tai sai bù nhìn mang bộ mặt độc lập dân chủ giả hiệu. Đến năm 1957-1958, bộ máy chính quyền của Mỹ – Diệm ở miền Nam Việt Nam cơ bản hoàn bị, cũng là thời điểm gia đình họ Ngô đạt tới đỉnh cao của quyền lực với việc nắm giữ 3 thiết chế quan trọng nhất của đời sống xã hội: bộ máy công quyền của Ngô Đình Diệm; tư tưởng chính trị trong tay Ngô Đình Nhu và tôn giáo thuộc về Ngô Đình Thục. Do đó, quá trình thiết lập nền “dân chủ” Mỹ đã đưa đến chế độ gia đình trị họ Ngô. Đồng thời cũng là quá trình Mỹ – Diệm tiến hành khủng bố, đàn áp nhân dân miền Nam vừa nhằm thực hiện âm mưu của Mỹ vừa tăng cường địa vị thống trị của gia đình họ Ngô. Song trước sức sống mãnh liệt, sự tiến công mạnh mẽ của phong trào yêu nước cách mạng, âm mưu thiết lập chính quyền mang mác độc lập, dân chủ ở miền Nam Việt Nam của Mỹ bị phá sản.

TS. Nguyễn Xuân Hoài

[1] Hồ sơ 3976, phông PTTg, TT2

[2] Hoà̀nh Linh Đỗ Mậu, (2001), Tâm sự tướng lưu vong (Việt Nam máu lửa quê hương tôi), Nxb CAND, tr. 92

[3] Hồ sơ 1183, phông PTTg.

[4] Hồ sơ 1183, phông PTTg.

[5] Hồ sơ 1183, phông PTTg.

[6] Hồ sơ 1183, phông PTTg.

[7] Quá trình cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và quy luật hoạt động của Mỹ – ngụy trên chiến trường B2, Sđd, tr.67.

[8] Phúc trình chung kết của phái đoàn cố vấn đại học đường tiểu bang Michigan, tháng 6-1962, ký hiệu vv.2819, TTII

[9] Phúc trình chung kết của phái đoàn cố vấn đại học đường tiểu bang Michigan, tháng 6-1962, ký hiệu vv.2819, TT II

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *