VỀ SỰ LIÊN QUAN MẬT THIẾT GIỮA PHÔNG PHỦ THỐNG ĐỐC NAM KỲ (1859-1945) TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VỚI PHÔNG ĐÔ ĐỐC VÀ CÁC THỐNG ĐỐC NAM KỲ (1859-1887) TẠI LƯU TRỮ HẢI NGOẠI QUỐC GIA AIX-EN PROVENCE (PHÁP).

TS Đào Thị Diến

Nhận được lời mời tham gia hội thảo khoa học về “Tài liệu phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ – tiềm năng di sản tư liệu” vào ngày 3-3-2014, chỉ trước thời hạn nộp báo cáo có 2 ngày, tôi hơi phân vân trong việc có nên tham gia hay không. Nhưng rồi đọc kỹ thư mời, tôi thấy có một vấn đề rất thú vị, rất cụ thể và cũng rất khoa học mà hình như chúng ta chưa đề cập tới. Vì vậy tôi đã quyết định thu xếp thời gian để viết báo cáo này.

Trong thời gian đi khảo sát, nghiên cứu và sưu tầm tài liệu tại Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (Archives Nationales d’Outre-Mer) ở Aix-en Provence từ tháng 9 đến tháng 12-2013 vừa qua, tôi đã có dịp khảo sát rất kỹ tài liệu của phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ 1859-1887 (fonds des Amiraux et des Gouverneurs de la Cochinchine 1859-1887). Nội dung chính của phông này đã làm tôi nghĩ tới phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ 1859- 1945 (fonds du Gouverneur de la Cochinchine 1859-1945) hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh.Tôi thấy có một số vấn đề cần được chia sẻ tại cuộc Hội thảo này.

  1. Kể từ năm 2007, người nghiên cứu có thể tìm hiểu những thông tin chính của phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945) qua cuốn “Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II[1], trong đó có phần lịch sử đơn vị hình thành phông.

Chúng ta đều biết rằng, lịch sử xâm chiếm Việt Nam của thực dân Pháp có những nét đặc trưng riêng với chế độ “võ quan” cai trị ở Nam Kỳ. Thời kỳ Đô đốc – Toàn quyền ở Nam Kỳ (Amiraux – Gouverneurs) bắt đầu ngay sau khi Pháp ký với triều đình Huế hiệp ước đầu tiên vào ngày 5-6-1862, đặt ba tỉnh miền Đông là Gia Định, Định Tường và Biên Hoà vào phạm trù thuộc địa. Sở dĩ thời kỳ này được gọi là thời kỳ Đô đốc – Toàn quyền vì đứng đầu bộ máy cai trị xứ “thuộc địa” này là một võ quan cao cấp Pháp mang chức danh Toàn quyền (Gouverneur), chịu trách nhiệm cả về quân sự và dân sự và thường được gọi là Thống đốc. Viên Thống đốc đầu tiên của thời kỳ này (được bổ nhiệm ngày 28-1-1863) là Thiếu tướng Hải quân De La grandière[2]. Năm 1881, khi bộ máy cai trị của Pháp ở Nam Kỳ tương đối ổn định, chế độ “võ quan” được chuyển sang chế độ “văn quan” với Thống đốc đầu tiên là Le Myre de Vilers[3].

Sự ra đời của Liên bang Đông Dương ngày 17-10-1887 đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử cai trị của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương. Với sự ra đời của Liên bang Đông Dương và chức danh Toàn quyền Đông Dương, bộ máy cai trị của Nam Kỳ đã có một số thay đổi. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ được quy định và dần dần sửa đổi cho phù hợp với chế độ chính trị mới[4].Theo “Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II” thì Sắc lệnh ngày 20-10-1911 của Tổng thống Pháp là văn bản pháp quy cuối cùng ấn định quyền hạn của Thống đốc Nam Kỳ[5].

Những nét cơ bản trên đây cũng chính là những nét chung về lịch sử đơn vị hình thành của hai phông và điều đó tạo ra nét tương đồng thứ nhất. Điểm khác nhau giữa hai phông ở đây là thời gian hình thành và kết thúc của tài liệu của hai phông.

Tài liệu của phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) ở Aix-en Provence được bắt đầu vào năm 1859, cùng thời gian bắt đầu với tài liệu của phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945) ở TP. Hồ Chí Minh nhưng lại kết thúc vào năm 1887, năm ra đời của Liên bang Đông Dương và cũng là năm có những thay đổi quan trọng đối với chức danh Thống đốc. Chúng tôi sẽ đưa ra những giả thiết và lập luận của mình vào phần cuối của báo cáo.

  1. Kết quả khảo sát của chúng tôi tại Aix-en Provence cho thấy, phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) đã được sáp nhập vào phông Toàn quyền Đông Dương và mang tên mới: phông Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương 1858-1945 (fonds des Amiraux et du Gouvernement général de l’Indochine 1858-1945).Tài liệu của phông này đã được sắp xếp theo khung phân loại Paul Boudet. Nội dung chính của phông gồm:

– Những sưu tập bản gốc của các văn bản pháp quy (lệnh, nghị định, quy định, thông tư…) của các Đô đốc-Toàn quyền và Thống đốc Nam Kỳ;

– Các tập công văn trao đổi giữa các Thống đốc với Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa;

– Các hồ sơ nhân sự (thông tin cá nhân, thăng thưởng, lương, nghỉ phép…);

– Các báo cáo hành chính chung của Thống đốc gửi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa và báo cáo của các Tỉnh trưởng các tỉnh thuộc Nam Kỳ gửi Thống đốc;

– Các hồ sơ về chính trị như các hồ sơ liên quan đến các cuộc đàm phán ngoại giao, các hiệp ước, xác định biên giới với Trung Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, và đây chính là những điều thiết lập nên các quyền lợi và nghĩa vụ tương hỗ của các nước này và nước Pháp; công văn trao đổi giữa các Lãnh sự Pháp ở Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ thuộc Hà Lan, ở Xinhgapo…; các hồ sơ có liên quan tới các báo cáo của đại diện nước Pháp với vương triều Huế, vương triều Campuchia; các báo cáo của các phái đoàn chính trị, quân sự hoặc khoa học…

– Các hồ sơ có liên quan đến các cuộc chinh phục và chiếm đóng quân sự[6] ở Đông Dương;

– Các hồ sơ có liên quan đến các lĩnh vực như toà án, giao thông công chính, mỏ, bưu điện – điện tín, thương mại, nông nghiệp, giáo dục…

Ngoài những tài liệu có nội dung tương đồng với nội dung của tài liệu phông Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945) như tài liệu về Hội đồng Tư mật Nam Kỳ (Conseil privé de la Cochinchine) thành lập năm 1869, Hội đồng Bảo Hộ Cambodge (Conseil du Protectorat du Cambodge) thành lập năm 1899, phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) hiện đang được bảo quản tại Aix-en Provence này còn có những thông tin rất quý về các vụ tấn công thành Hà Nội, về những ký kết ngoại giao giữa Pháp và triều đình Huế trong việc biến Hà Nội thành nhượng địa của Pháp vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Tuy đã bị sáp nhập vào phông Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương (1858-1945) song do đã được chỉnh lý theo khung phân loại Paul Boudet nên ta vẫn có thể ước tính tài liệu của phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) có khoảng trên 5.000 hồ sơ.

  1. Sự tương đồng về lịch sử đơn vị hình thành phông và về nội dung của hai phông nói trên cho phép chúng ta đặt ra một giả thiết: phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) hiện đang được bảo quản tại Aix-en Provence có thể chính là một phần của phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945) của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II tại TP. Hồ Chí Minh? Nếu giả thiết trên là đúng, một câu hỏi sẽ được đặt ra: tại sao phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ (1859-1887) lại được bảo quản tại Aix-en Provence trong khi mà nó không có trong danh mục tài liệu được “hồi hương” về Pháp theo hiệp ước ngày 15-6-1950 giữa chính phủ Bảo Đại và đại diện chính phủ Pháp ở Đông Dương là Cao uỷ Léon Pignon?[7]. Câu trả lời nằm trong tài liệu của phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (fonds de la Direction des Archives et de la Bibliothèque de l’Indochine) hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I Hà Nội.

Các sắc lệnh ngày 29-11-1917 và 26-12-1918 của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut về việc thành lập Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương và qui định về tổ chức cùng những nguyên tắc chung áp dụng cho tài liệu lưu trữ toàn Đông Dương đã làm thay đổi tình trạng “tồi tệ” về tài liệu do “không có người và cơ quan chuyên trách về lưu trữ chăm lo” phổ biến ở các nước Đông Dương. Các sắc lệnh đó cũng cho phép thành lập tại Đông Dương 5 Kho Lưu trữ và quy định các nguồn nộp lưu đối với mỗi Kho, trong đó có Kho Lưu trữ Trung ương (Dépôt Central) ở Hà Nội.

Theo sắc lệnh ngày 26-12-1918, mỗi xứ trong Liên bang Đông Dương đều sẽ có một Kho Lưu trữ để bảo quản tài liệu của xứ mình. Riêng các công sở hành chính và các tỉnh Bắc Kỳ thì nộp tài liệu vào Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội.

Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội được khởi công xây dựng vào tháng 1 năm 1922, được hoàn công vào năm 1924, và được đưa vào sử dụng vào tháng 1 năm 1925. Ngay lập tức, Kho này đã nhận một khối lượng lớn tài liệu từ các công sở hành chính thuộc các nguồn nộp lưu được quy định trong nghị định ngày 26-12-1918 nộp vào. Thời điểm đó, nhận thấy một số lớn tài liệu của các Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ đang trong tình trạng “thường xuyên bị bỏ quên trong một xó của Phủ Toàn quyền và đôi lúc, chúng lại bị buộc cùng hành lý của một số vị Thống đốc khi các vị này phải di chuyển chỗ làm việc của mình đi nơi khác[8] thì Paul Boudet đã quyết định chuyển số tài liệu này ra bảo quản tại Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội. Và đây là số tài liệu đầu tiên được chuyển vào Kho Lưu trữ Trung ương Hà Nội, sau khi Kho được đưa vào sử dụng.

Có thể nói rằng, trong một chừng mực nhất định, quyết định này của Paul Boudet là tương đối hợp lý. Bởi vì ở Nam Kỳ, tình trạng không có chỗ chứa tài liệu kéo dài suốt từ khi cơ quan Lưu trữ Nam Kỳ được thành lập theo Nghị định ngày 26-12-1918 của Toàn quyền Albert Sarraut cho đến tận năm 1938-1939,
việc xây một tòa nhà cho cơ quan Lưu trữ và Thư viện vẫn chỉ tồn tại trong dự án[9]. Và đến năm 1942, nghĩa là chỉ vài năm trước khi người Pháp phải chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, “ngân sách dành cho việc xây một phần cho tòa nhà của cơ quan Lưu trữ và Thư viện Nam Kỳ cũng đã bị bãi bỏ[10]. Nếu không có quyết định của Paul Boudet chuyển số tài liệu của các Đô đốc và các Thống đốc ở Nam Kỳ ra bảo quản tại Hà Nội thì khó có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra với số tài liệu này.

Nhận định đây là số tài liệu rất có giá trị đối với lịch sử thuộc địa, Paul Boudet đã giao cho Léon Saint Marty (lúc đó đang là Phó Giám đốc Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương, chuyên phụ trách tài liệu của Lưu trữ Nam Kỳ) được quyền thực hiện mọi biện pháp cần thiết để mang số tài liệu này từ Sài Gòn ra Hà Nội. Nhờ sự cố gắng của Léon Saint Marty, ngày 13-6-1919, 8 hòm tài liệu đầu tiên đã về đến Kho Lưu trữ Trung ương trong tình trạng hoàn hảo. Và một tháng sau, 6 hòm tài liệu nữa đã về đến Hà Nội bằng đường biển.

Thời gian đầu được đưa ra Kho Lưu trữ Trung ương tại Hà Nội, tài liệu của phông Đô đốc và Thống đốc Nam Kỳ được sắp xếp cùng với tài liệu của phông Phủ Toàn quyền Đông Dương (fonds du Gouvernement général de l’Indochine) tại tầng 3 của Kho[11].

Về tình trạng tài liệu của phông Đô đốc và Thống đốc Nam Kỳ khi mới được đưa về Hà Nội, Paul Boudet viết:

Tài liệu của các Đô đốc-Thống đốc đã tạo nên một trong những sưu tập quý báu nhất của Lưu trữ Trung ương. Mặc dù chúng đầy đủ về các nghị định và các quyết định cũng như các công văn đi, khối tài liệu này còn thiếu một cách trầm trọng: thông tư liên bộ chỉ có bắt đầu từ năm 1890. Thực tế là, 120 tập có thời gian từ 1858 đến 1882 chứa các bản gốc của tất cả các thông tư được gửi bởi Bộ trưởng (Bộ Thuộc địa-ĐTD) đến các Tư lệnh Tổng chỉ huy Lực lượng Hải quân Pháp trên biển Trung Hoa, rồi đến các Thống đốc và các Tư lệnh Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội tại Nam Kỳ, đã bị bỏ lại Phủ Thống đốc tại Sài Gòn, trong thư viện tại nơi làm việc cũ của Toàn quyền[12].

Theo báo cáo của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương năm 1944-1945 thì có 4618 hồ sơ của phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ đã được chỉnh lý. Đánh giá về giá trị của phông tài liệu này, Paul Boudet viết:

Phông này thể hiện gần như tất cả những gì chúng ta có thể tìm lại được về thời kỳ chinh phục và tổ chức hành chính của chúng ta ở Nam Kỳ, về cuộc viễn chinh và nền bảo hộ của chúng ta tại Cambodge, những đàm phán ngoại giao với vương triều Huế, cuộc chinh phục Bắc Kỳ và những thử nghiệm về nền hành chính của chúng ta tại xứ này[13].

Có thể vì thế mà trong đợt khảo sát vừa qua ở Aix-en Provence, tôi đã tìm được khá nhiều tài liệu về thời kỳ đầu Pháp đánh chiếm Hà Nội trong phông Đô đốc và Toàn quyền Đông Dương 1858-1945 (fonds des Amiraux et du Gouvernement général de l’Indochine 1858-1945).

Mặc dù Kho Lưu trữ Trung ương ở Hà Nội từng được coi là “niềm tự hào của chính phủ Pháp ở Đông Dương”, nơi mà Paul Boudet đã từng khẳng định “có thể chứa một cách không lo ngại khoảng gần 30.000 hộp tài liệu” và theo Paul Boudet “con số này hoàn toàn có thể coi như vĩnh cửu[14]. Song trên thực tế, số lượng tài liệu nộp vào Kho Trung ương ngày càng gia tăng và cho đến đầu những năm 1930 thì hết chỗ chứa. Vì vậy, Paul Boudet đã quyết định chuyển những tài liệu có giá trị và những tài liệu thuộc các phông đóng (fonds clos) về Pháp. Số tài liệu của các Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ đã được chuyển về Pháp chính trong thời kỳ này. Nhưng trước khi chuyển về Pháp, những tài liệu quan trọng nhất đã được Paul Boudet cho sao lại để phục vụ nhu cầu nghiên cứu tại thuộc địa. Và đó là lý do để giải thích vì sao trong đợt biên soạn cuốn “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ” (1873-1954)[15] của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chúng tôi đã có thể công bố sưu tập những tài liệu thuộc phông Đô đốc và các Thống đốc Nam Kỳ liên quan đến hai vụ thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội năm 1873 và 1882.

  1. Nếu những lập luận trên đây có thể được coi là logic thì chúng ta cần hướng tới một giải pháp hữu hiệu nhất, nhằm làm cho phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945) thực sự trở thành một phông có “tính xác thực, đầy đủ và không thể thiếu”, một “khối tài liệu toàn vẹn và duy nhất đầy đủ về quá trình hoạt động của Phủ Thống đốc Nam Kỳ (1859-1945” như tiêu chí của cuộc Hội thảo đã được Ban Tổ chức đã đặt ra. Chỉ có như vậy, các thế hệ nghiên cứu của nước ta mới có thể tiếp cận được thêm nguồn tài liệu về thời kỳ các Đô đốc (Amiraux) – thời kỳ chuyển tiếp không thể tách rời của thời kỳ “các Thống đốc” ở Nam Kỳ, nhằm nghiên cứu một cách toàn diện và đầy đủ về lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam nói chung, lịch sử chống Pháp của nhân dân Nam Bộ nói riêng.

[1]Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II “Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Truing tâm Lưu trữ quốc gia II”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (in xong và nộp lưu chiểu tháng 5-2007).

[2] Nhậm chức ngày 1-5-1863.

[3] Nhậm chức ngày 1-11-1881.

[4] Theo các Sắc lệnh ngày 29-10-1887 và 20-10-1911 của Tổng thống Pháp và theo Nghị định ngày 13-2-1899 của Toàn quyền Đông Dương.

[5] Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia II “Sách chỉ dẫn các phông, sưu tập lưu trữ bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II”, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr. 35.

[6] Nguyên văn trong tài liệu “des dossiers concernant la conquête et l’occupation militaire de l’Indochine”thực chất là các cuộc tấn công và chiếm đóng quân sự của quân đội Pháp tại Nam Kỳ (ĐTD).

[7] Xin xem thêm “Tài liệu về Việt Nam tại Kho Lưu trữ Aix-en Provence, một khối tài liệu đặc biệt có giá trị đối với nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời cận đại” (tham luận của TS. Đào Thị Diến tại Hội thảo khoa học về Khai thác và phát huy tài liệu lưu trữ tổ chức tại Khoa Lưu trữ và Quản trị VP, Trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội năm 2006)

[8] Rapport de la Direction des Archives au Conseil de Gouvernement (session ordinaire de 1923).Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (TTLTQG I), phông Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương (fonds de la Direction des Archives et des Bibliothèques de l’Indochine – DABI), hs: 71. Nguồn lấy từ phông DABI trong bài viết này hoàn toàn dẫn từ Đào Thị Diến: “Les Archives coloniales au Vietnam (1858-1954). Les fonds conservés au Dépôt Central de Hanoï. Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin”. Thèse de Doctorat de “Dynamiques comparées des Sociétés en Développement” (Histoire) sous la direction de Professeur Alain Forrest, Université Paris 7 – Denis Diderot, 2004.

[9] TTLTQG I, DABI, hs: 1414.

[10] TTLTQG I, DABI, hs: 1411.

[11]TTLTQG I, DABI, hs: 72.

[12]Lưu trữ Hải ngoại quốc gia (Archives Nationales d’Outre-Mer – ANOM), trích từ ghi chép của Paul Boudet, tài liệu sưu tập cá nhân.

[13]TTLTQG I, DABI, hsr: 71.

[14]Rapport de la Direction des Archives au Conseil de Gouvernement (Session ordinaire de 1924). TTLTQG I, DABI, hs: 72.

[15] Gồm 2 tập, T.1: 843 trang; T.2: 903 trang, NXB Hà Nội, 2010 (Đào Thị Diến chủ biên, tham gia biên soạn: Đỗ Hoàng Anh, Hoàng Thị Hằng, Vũ Văn Thuyên, Lê Huy Tuấn).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *