Sự phát triển cuộc sống đương đại gắn liền với yêu cầu cải cách nền hành chính nhà nước và đổi mới quản lý của các ngành, các cấp. Trong khi Đảng và Nhà nước đang chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chiến lược hoạt động theo yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), chuyển đổi số và xây dựng mô hình Chính phủ điện tử (CPĐT), tác giả muốn đề xuất một số giải pháp xây dựng văn thư lưu trữ (VTLT) số theo các chủ trương này
- Đặc điểm của CMCN 4.0 với lộ trình chuyển đổi số, CPĐT
Diễn biến lớn tạo ra bước ngoặt trong đời sống kinh tế xã hội được gọi là “Cuộc cách mạng”, vì là có sự biến đổi quan trọng, xóa bỏ cái cũ, để thay thế bằng cái mới trong sản xuất, tiến bộ hơn. Nhưng đây, mới chỉ đề cập đến cách mạng trong sản xuất công nghiệp, chứ không phải là cách mạng chính trị – xã hội.
Cuộc CMCN 4.0 là một trong các dấu mốc chuyển đổi lớn trong sản xuất công nghiệp thế giới, tiếp bước theo các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó như Cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0. Một trong các đặc điểm của cuộc CMCN4.0 là nó kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố cốt lõi Kỹ Thuật số, Công nghệ sinh học và Công nghệ phần cứng (Vật lý) để tạo ra các sản phẩm công nghiệp thời kì 4.0. Tiến độ phát triển của nó rất nhanh, phát triển theo hàm số mũ, chứ không phải tuần tự theo hàm tuyến tính, làm thay đổi các Chuỗi giá trị[1] truyền thống sang dạng mạng lưới, với trung tâm là dữ liệu số giúp các nhà quản trị phân tích và đưa ra các quyết định. Nếu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra trong hằng thế kỷ, thì CMCN 4.0 bây giờ chỉ tính bằng thập kỷ, hoặc ngắn hơn.
Với những đặc điểm như vậy, nên tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều phải xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của mình cho dù nền kinh tế của từng nước đang ở trình độ nào. Kể cả các nước phát triển, nếu không có chiến lược kinh tế theo CMCN 4.0, cũng sẽ không theo kịp các tiến độ chung của thế giới. Những khái niệm “địa kinh tế” hay “địa chính trị” của các nước phát triển vốn chi phối mọi mối quan hệ quốc tế trước đây, nay khó tồn tại bền vững, nếu không có một chiến lược phát triển kinh tế theo nhịp đập của CMCN 4.0. Ví dụ, ngành sản xuất ô tô hùng mạnh của nước Đức đã bị chậm trước sự xuất hiện ô tô điện tự lái của các nước khác là một chứng minh cho thấy Không ai có thể tự ru ngủ mình trên vinh quang của quá khứ trong thời kỳ CMCN 4.0[2]. Về lý thuyết, chúng ta có thể coi như đã nghiên cứu tương đối nhiều nội dung, đặc điểm của CMCN 4.0. Nay đến lúc các bộ, ngành phải bắt tay vào những công việc cụ thể với các hình thức mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là đề ra các chiến lược phát triển theo mô hình Chuyển đổi số, CPĐT…
- Cơ sở pháp lý và thực tiễn của mô hình chuyển đổi số, CPĐT đối với Văn thư – Lưu trữ Việt Nam
Ngày 14/10/2015 Chính phủ thông qua Nghị quyết số: 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Nghị quyết đề ra mục tiêu của Chính phủ điện tử là “Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của LHQ. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”. Riêng đối với ngành Nội vụ, Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ là Thực hiện có hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT. Đẩy mạnh triển khai thực hiện ứng dụng CNTT trong cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Tiếp đến, ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số: 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Qua đó, các ban, ngành đã tổ chức các diễn đàn, hội thảo khoa học với mục tiêu xây dựng được Chương trình phát triển chiến lược của từng ngành, góp phần xây dựng chiến lược quốc gia. Đã có bộ, ngành tiếp cận nhanh, như Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Bộ Khoa học và Công nghệ được giao làm đầu mối chủ trì và phối hợp với một số bộ, ngành để triển khai Chỉ thị: 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng và chỉ đạo thực hiện Đề án “Tri thức Việt số hóa”. Đề án này đặt yêu cầu rất cao đối với ngành lưu trữ trong việc số hóa TLLT Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam để phát huy giá trị TLLT phục vụ yêu cầu chuyển đổi số với nhiệm vụ chung của toàn ngành là thực hiện VTLT số.
Với mô hình CPĐT, đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng CPĐT phải gắn chặt với cải cách nền hành chính nhà nước và ứng dụng CNTT ở mọi cấp, ngành. CNTT là công cụ để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính. Với ý tưởng đó, ngày 28/6/2018, tại Hội thảo “Chính sách và giải pháp liên thông chứng thực chữ kí số tại Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT được thành lập ngày 15/01/2014 theo Quyết định số: 109/QĐ-TTg, để hướng tới xây dựng được một Chính phủ số và dữ liệu mở, trên tinh thần phát triển CPĐT trong thời kỳ CMCN 4.0.
Tiếp đó, cũng trong năm 2017, Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 7, với chủ đề “Việt Nam: Chuyển đổi số trong công nghiệp 4.0” thảo luận về xây dựng Chiến lược số của Việt Nam trong CMCN 4.0 đã thiết thực góp phần cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số: 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 với các giải pháp cụ thể hơn.
Việt Nam là một trong các nước Đông Nam Á còn gặp nhiều khó khăn do CMCN 4.0 sẽ tạo ra những bất bình đẳng. Của cải thế giới sẽ dồn về những nước phát triển. Những nước từng được mệnh danh là công xưởng của thế giới như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan… đang sở hữu những lao động giản đơn giá rẻ sẽ không thể đứng vững khi hầu hết các công cụ sản xuất được thay thế bằng robot thế hệ mới, nhất là ngành dệt may; lắp ráp điện tử, da giầy… Với thực trạng này, ngày 13/7/2018, tại Diễn đàn cấp cao nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: Việt Nam không đứng ngoài CMCN 4.0. Với quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, với tinh thần của người Việt Nam, chúng ta sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội bước lên “Con tàu CMCN 4.0”. Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng người Việt sẽ sớm tiến nhanh… “không để đoàn tàu trôi qua”(không bỏ lỡ đoàn tầu này-TG)[3]. Cũng trong Diễn đàn cấp cao này, để giải đáp vấn đề khó khăn trong CMCN 4.0 mà các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, Ban Tổ chức Diễn đàn đã mời một vị khách đặc biệt tham gia đối thoại là Robot Sophia…
Đối với ngành Lưu trữ, từ cuối năm 2017 Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã chỉ đạo “Củng cố Văn thư-Lưu trữ truyền thống, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức phát huy giá trị tài liệu, sẵn sàng cho lưu trữ điện tử”. Cụ thể là, Tập trung xây dựng hoàn chỉnh khung pháp lý cho lưu trữ điện tử. Căn cứ vào Luật Lưu trữ 2011 và Nghị định số: 01/2013/NĐ-CP, ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lưu trữ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cần xác lập các văn bản quy định có giá trị pháp lí về công tác lưu trữ tài liệu điện tử như:
Một là, hoàn thiện Dự thảo Thông tư quy định quản lí văn bản và hồ sơ điện tử để trình Bộ Nội vụ ban hành… Các quy định trong Thông tư này phải cụ thể, để có thể áp dụng mà không cần có các hướng dẫn khác;
Hai là, xác định các chức năng, tiện ích, thông tin “đầu ra – đầu vào” và khả năng quản lý, truy xuất, bảo mật tài liệu lưu trữ điện tử để xây dựng phần mềm quản lý TLLT (cả tài liệu giấy và tài liệu điện tử) thông minh hơn để hoạt động nghiệp vụ Lưu trữ điện tử hiệu quả hơn trong bối cảnh CMCN 4.0…[4].
Để khởi động áp dụng CMCN 4.0 trong ngành lưu trữ, ngày 15/5/2018 Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức Tọa đàm khoa học cấp quốc gia với chuyên đề “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những tác động đến công tác văn thư, lưu trữ”.
- CPĐT, Chuyển đổi số và yêu cầu xây dựng và quản lí VTLT số
CPĐT (E- Government) là mô hình tổ chức chính quyền nhà nước có sử dụng CNTT và truyền thông cho các hoạt động của mình, nhằm đạt hiệu quả tối ưu cho việc quản lý nhà nước, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi thành viên trong xã hội, thực hiện nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Thực chất, việc thực hiện mô hình CPĐT là quá trình áp dụng CMCN 4.0 và chuyển đổi số trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó có các cơ quan ngành lưu trữ với yêu cầu xây dựng và quản lý VTLT số.
Phạm vi hoạt động của CPĐT là trong cả hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương, chứ không phải chỉ có Chính phủ ở trung ương.
Cơ sở vật chất quan trọng nhất của CPĐT là kết cấu hạ tầng thông tin số của Quốc gia và các trang thiết bị kỹ thuật cung cấp các dịch vụ thông tin. Đối với ngành lưu trữ, TLLT của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam được số hóa và tạo lập hệ thống các Siêu dữ liệu (Metadata) được quản lý theo một phần mềm tương ứng để đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức khai thác, sử dụng khoa học TLLT của thời kỳ VTLT số của xã hội đương đại.
Như vậy, CPĐT là Chính phủ số, có ứng dụng CNTT và truyền thông trong cả Hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong cả hệ thống chính trị của Việt Nam. Qua đó, hoạt động của Chính phủ số gắn liền với yêu cầu và nội dung của việc cải cách nền hành chính nhà nước trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Tính chất của xã hội của Chính phủ điện tử là hướng tới một xã hội phát triển nền kinh tế tri thức – thông tin; tri thức đã trở thành một sản phẩm hàng hoá có giá trị trong nền kinh tế quốc dân; thông tin và tri thức được kết tinh trong hàng hoá. Xã hội đó đòi hỏi một kết cấu hạ tầng thông tin quốc gia với những lao động được đào tạo những kỹ năng của thế kỉ 21Sự[5].
Nội hàm của Chính phủ điện tử còn được mở rộng hơn trong các Diễn đàn khoa học tiếp theo, nhất là Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 8 – năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 18/7/2018, với chủ đề “Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”. Diễn đàn lần này nhằm đóng góp thiết thực vào quá trình triển khai xây dựng CPĐT và phát triển kinh tế số Việt Nam giai đoạn 2018-2020 với các Chuyên đề tọa đàm là: Chuyên đề 1: “Chính phủ số”- Quản trị thông minh Hạ tầng dữ liệu cho phát triển kinh tế xã hội; Chuyên đề 2: “Kinh tế số” và Chuyên đề 3: “Hạ tầng số”. (thông tin từ VINASA)[6].
Sự thách thức của mô hình CPĐT đối với ngành lưu trữ:
Một là, hoạt động của CPĐT tạo ra ngày càng nhiều TLLT không truyền thống, đòi hỏi ngành lưu trữ phải thay đổi cách tiếp cận với TLLT điện tử; đồng thời các cơ quan lưu trữ phải đẩy nhanh quá trình số hóa TLLT truyền thống đang chiếm một số lượng lớn trong các Lưu trữ lịch sử và thực hiện công tác văn thư số làm tiền đề cho yêu cầu quản lý TLLT điện tử.
Hai là, hoạt động của CPĐT tử tạo ra kết cấu mới của TLLT, làm thay đổi phương pháp và nguyên tắc quản lý tài liệu đã có từ trước đến nay. Như vậy, ngoài các nguyên tắc cơ bản của lưu trữ học, như nguyên tắc xuất xứ, nguyên tắc không phân tán phông lưu trữ…được áp dụng để quản lý TLLT truyền thống, nay phải nghiên cứu bổ sung các nguyên tắc, phương pháp mới để quản lý, khai thác, sử dụng tài liệu VTLT công nghệ số.
Ba là, tài liệu do Chính phủ số tạo ra đòi hỏi phải có thiết vị kỹ thuật đồng bộ và phương pháp mới để phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng TLLT của cả hệ thống trong thời kỳ Chuyển đổi số. Vì vậy, thiết bị kĩ thuật phần cứng phải được trang bị đồng bộ không phải chỉ cho từng ngành, mà trong cả hệ thống VTLT quốc gia.
Bốn là, mô hình CPĐT trong VTLT đòi hỏi phải được trang bị mới về phương pháp, kĩ năng bảo mật, giải mật, giữ bản quyền…
Năm là, CPĐT đòi hỏi phải đào tạo lại cán bộ, công chức, viên chức lưu trữ để có kỹ năng về CNTT và truyền thông và kỹ năng quản lý VTLT công nghệ số.
- Quản lý VTLT trong thời kỳ “chuyển đổi số”[7]
“Chuyển đổi số” (Digital Transformation) là Cách mạng kỹ thuật số. Chúng ta có thể so sánh với hoạt động của một doanh nghiệp để được rõ hơn. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có chuỗi giá trị của nó: Chuỗi giá trị truyền thống là chuỗi tuyến tính, bắt đầu từ định hình sản phẩm – lập kế hoạch sản xuất – chuẩn bị nguyên liệu – sản xuất – phân phối – dịch vụ khách hàng… Trong kỉ nguyên CMCN 4.0, chuỗi giá trị truyền thống buộc phải thay đổi. Tất cả các quy trình của sản xuất được số hóa. Do đó, dữ liệu số trở thành tài sản trung tâm. Chuỗi giá trị từ tuyến tính được chuyển sang dạng mạng lưới, với trung tâm là dữ liệu số và phân tích dữ liệu để ra quyết định. Khi đề cập đến Chuyển đổi số, tức là chuỗi giá trị tuyến tính của doanh nghiệp bị biến đổi đi. Vậy “Chuyển đổi số” được coi như từ khóa khởi nguồn từ năm 2017 và chính thức có ý nghĩa từ năm 2018, khi mà các cơ quan, tổ chức tiếp cận cuộc “Cách mạng kỹ thuật số trong bối cảnh CMCN 4.0 với những giải pháp, việc làm cụ thể của bước khởi động “Chuyển đổi số”.
Vậy, việc xây dựng và quản lý VTLT số bắt nguồn từ chủ trương Chuyển đổi số của Nhà nước. “Chuyển đổi số” với hình thức VTLT số, là sự thay đổi cụ thể để đạt được các mục tiêu của cuộc CMCN 4.0. Định hướng đó hướng tới đổi mới trong ngành lưu trữ theo những định hướng của Diễn đàn cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam lần thứ 8 năm 2018 với chủ đề đã nêu là“Chính phủ số, kinh tế số trong thời chuyển đổi số”.
Với những yêu cầu này, ngành lưu trữ phải xây dựng và thực hiện các giải pháp chuyển đổi quản lý VTLT từ TLLT truyền thống sang hình thức VTLT số trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và mô hình CPĐT. Để các giải pháp được chặt chẽ, ngành lưu trữ cần tập trung thực hiện các nội dung chỉ đạo về chiến lược của Thủ tướng Chính phủ đối với các bộ, ngành, các cấp một cách cụ thể và thiết thực. Chú ý loại trừ các lý thuyết viển vông, rồi lại bỏ đấy, không bao giờ làm được như Thủ tướng đã nhắc nhở: “…Các Bộ trưởng phải nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói CMCN 4.0, nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình, thì không ai biết rõ ràng…”.
Vận dụng sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong việc xây dựng, quản lí VTLT
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội thảo Triển lãm quốc tế “Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World” ngày 5/12/2017, ngành lưu trữ cần thực hiện những nhiệm vụ sau:
Chỉ đạo nội dung 1. Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật cho phát triển… xây dựng chiến lược tổng thể về chuyển đổi số và cơ sở dữ liệu quốc gia làm cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong các thủ tục hành chính, …”.
Đối với ngành Lưu trữ, căn cứ Luật Lưu trữ năm 2011, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước biên soạn trình Bộ Nội vụ ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định phát triển ngành lưu trữ theo mô hình chuyến đổi số đáp ứng yêu cầu mở rộng khai thác, sử dụng TLLT. Về việc này, từ đầu năm 2018, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước đã biên soạn Dự thảo Thông tư quy định quản lý văn bản và hồ sơ điện tử để trình Bộ Nội vụ ban hành…”. Ngoài dự thảo Thông tư này, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước có thể ban hành một văn bản quy định “Văn thư số” để áp dụng trong toàn ngành lưu trữ. Thực tế, hầu hết các cơ quan, tổ chức trong ngành lưu trữ đã áp dụng CNTT trong quản lý văn thư, nhưng chưa đạt được tính đồng bộ và thống nhất của các Hệ quản trị cơ sở dữ liệu văn thư trong cả nước. Ngoài việc xây dựng chương trình quản lý Văn thư số, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước qui định về thủ tục hành chính trong văn thư, ví dụ “Một cửa liên thông” theo định hướng của mô hình CPĐT.
Chỉ đạo nội dung 2. “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó, CNTT, hạ tầng thông tin đóng vai trò hạ tầng trong nền kinh tế số, tập trung hiện đại hóa đồng bộ kết nối liên thông hệ thống hạ tầng xuyên quốc gia, bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin…”.
Để thực hiện chỉ đạo thứ hai này của Thủ tướng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cần lập một Dự án phân loại, giải mật, ưu tiên số hóa những TLLT có tần số sử dụng cao, trước hết là của 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia, sau đó sẽ mở rộng đến các Lưu trữ lịch sử khác, để mở rộng khai thác, sử dụng TLLT với các giải pháp:
– Kết nối Mạng quốc gia, quốc tế tất cả thông tin cấp II TLLT kể cả các siêu dữ liệu (Metadata) ở các Lưu trữ lịch sử đã ứng dụng CNTT để quản lí TLLT số;
– Chọn lọc TLLT, kết nối Mạng quốc gia hoặc Mạng nội bộ ngành lưu trữ thông tin cấp I TLLT.
Chỉ đạo nội dung 3. “Phát triển nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế số, biến lợi thế dân số vàng thành lợi thế năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế, chú trọng thu hút đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực CNTT đạt chuẩn quốc tế, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có đội ngũ trên 1 triệu nhân lực công nghệ số trình độ cao”.
Để thực hiện chỉ đạo thứ ba này của Thủ tướng Chính phủ, ngành lưu trữ cần tổ chức đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức về kiến thức CMCN 4.0, Chuyển đổi số. Như vậy, có thể xây dựng các chương trình cho các khóa đào tạo thuộc các đối tượng khác nhau như: cán bộ quản lí, các chuyên viên lưu trữ và các lưu trữ viên.
Ngoài ra, xem xét điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu kế hoạch trong Quy hoạch ngành Văn thư, Lưu trữ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ Nội vụ ban hành theo Quyết định số 579/QĐ-BNV ngày 27/6/2012. Đặc biệt chú ý các chỉ tiêu về tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức và chỉ tiêu số hóa TLLT Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam để mở rộng khai thác, sử dụng TLLT số./.
PGS.TS. Dương Văn Khảm – Nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ nhà nước
[1] Chuỗi giá trị –Value chain: Chuỗi các hoạt động cung cấp cho các sản phẩm nhiều giá trị gia tăng cao hơn tổng giá trị gia tăng của tất cả các hoạt động cộng lại
[2] Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh trong bài “Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước”, ngày 03/10/2017
[3] Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 ngày 13/7/2018.
[4] Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chỉ đạo công tác VTLT cuối năm 2017
[5] VPTW Hội Văn thư Lưu trữ Việt Nam: Từ điển tra cứu Nghiệp vụ Quản trị VP-Văn thư-Lưu trữ Việt Nam
[6] Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam – tên tiếng Anh: Vietnam Software and IT Services Association, viết tắt: VINASA, được thành lập tháng 4 năm 2002.
[7] Thuộc chủ đề Diễn đàn cấp cao CNTT và Truyền thông lần thứ 8 năm 2018
Tin cùng chuyên mục:
Khó khăn và giải pháp khắc phục trong triển khai nhiệm vụ nộp lưu tài liệu lưu trữ số
Thực trạng triển khai công tác lưu trữ điện tử của Ủy ban Dân tộc
Văn học Sài Gòn 1954-1975 những chuyện bên lề
Sài Gòn 1698-1998 Kiến trúc quy hoạch